Niêm yết từ năm 2015, trong 8 năm sau đó, HAGL Agrico (HNG) đã "gây dựng" lên khoản lỗ hơn 9.300 tỷ đồng và sẽ đối mặt "án" hủy niêm yết bắt buộc do đã có 3 năm thua lỗ liên tục.
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - HoSE: HNG) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023 với doanh thu 184,1 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán là 611,2 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp doanh nghiệp âm 427,1 tỷ đồng. Cộng thêm các chi phí khác, đặc biệt là chi phí lãi vay 86,2 tỷ đồng, HNG lỗ sau thuế 603,9 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, HNG mang về doanh thu 605,6 tỷ đồng, giảm 18,6% so với năm 2022 và lỗ sau thuế 1.050 tỷ đồng cải thiện hơn mức lỗ năm trước đó là 3.576,4 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu HNG phiên sáng ngày 5/2 (Nguồn: Fire Ant). |
Ngay khi đón nhận tin kết quả kinh doanh "bết bát", mở cửa phiên sáng ngày 31/1, cổ phiếu HNG lập tức nằm sàn với thị giá 4.470 đồng/cp.
Tâm lý nhà đầu tư chỉ mới tạm ổn định được 2 phiên sau đó, thì vào ngày thứ Bảy (3/2), HoSE đưa ra cảnh báo về khả năng hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu HNG do công ty đã có 3 năm thua lỗ liên tục.
>> HoSE cảnh báo khả năng hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu HAGL Agrico (HNG)
Bắt đầu phiên đầu tuần (5/2), áp lực bán tháo lập tức xảy đến với HNG, đến thời điểm 10h sáng, đã có 4,6 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn chưa có người mua. Khớp lệnh 5,9 triệu cổ phiếu, gấp 8 lần cùng thời điểm phiên liền trước.
Tròn 1 tháng (từ 4/1 - 5/2), cổ phiếu HNG đã đánh mất 30% giá trị.
Trong 8 năm, HNG đã "đốt" hơn 9.300 tỷ đồng, công ty chỉ còn "xương"
Doanh thu và lợi nhuận HNG giai đoạn 2014 - 2015 |
HAGL Agrico được thành lập năm 2010 với vốn ban đầu vào mức 485 tỷ đồng, định hướng là công ty phụ trách toàn bộ mảng nông nghiệp gồm cao su, cọ dầu, bắp, mía đường và chăn nuôi bò. Những ngày đầu thành lập, HAGL Agrico tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục mở rộng quy mô.
Hậu phương “hùng mạnh” là công ty mẹ HAGL đang ăn nên làm ra lúc đó giúp giai đoạn 2012-2015, doanh thu HAGL Agrico nhảy vọt bằng lần, từ mức 135 tỷ (năm 2012) đột biến lên 1.630 tỷ đồng trong năm 2013. Đến năm 2015, doanh thu HAGL Agrico vào mức 4.731 tỷ đồng, tăng 114% so với năm liền trước và tăng 3.431% so với năm 2012.
Tương ứng, lợi nhuận tăng bình quân hơn 80%/năm, đặc biệt năm 2012 tăng vọt từ 3 tỷ (năm 2011) lên 685 tỷ đồng. Khi đó, giá cao su trên thị trường thế giới tăng chóng mặt, thậm chí có lúc chạm mốc 6.000 USD/tấn trong năm 2011. Lúc bấy giờ, bầu Đức ước tính sau 5 năm sẽ thu về 200-300 triệu USD lợi nhuận.
Niềm vui cũng chỉ kéo dài được đến năm 2015, từ năm 2016, HNG bước vào giai đoạn kinh doanh sa sút với doanh thu và lợi nhuận suy giảm mạnh. Từ doanh thu gần 5.000 tỷ, đến nay doanh nghiệp mang về vỏn vẹn chỉ hơn 600 tỷ cho cả 1 năm làm việc. Khoản lỗ hình thành trong 8 năm lên tới 9.315 tỷ đồng.
Từ một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu hơn 11.000 tỷ đồng, đến nay vốn chủ sở hữu của HNG chỉ còn 2.305,8 tỷ đồng. Trong khi đó nợ vay và chi phí lãi vay lên tới 9.359,9 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.
Đúng như lời Phó Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã nói: "HAGL Agrico làm gì có ruột mà rút, chỉ còn xương thôi" khi trả lời câu hỏi từ 1 cổ đông đặt vấn đề là liệu Thaco có đang "rút ruột" HAGL Agrico.
>> Chủ tịch HNG muốn làm khu du lịch sinh thái trên dự án trồng cây, kết hợp nuôi thả bò
Giới học thuật Trung Quốc kêu gọi thành lập Quỹ bình ổn chứng khoán 1.400 tỷ USD
So găng hiệu quả kinh doanh 'heo ăn chuối' (HAG), 'heo ăn chay' (BAF) và 'heo ăn cám' (DBC)