Doanh nghiệp A-Z

Chặng cuối của hành trình cơ cấu Sacombank (STB): Hàng chục nghìn tỷ đồng quay trở lại, 'khoảng trống quyền lực' xuất hiện

Hải Băng 09/10/2024 18:00

Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được Sacombank trích lập dự phòng trong quá trình tái cơ cấu sẽ quay trở lại trong năm 2024 - 2026. Việc bán 32,5% cổ phần của nhóm ông Trầm Bê tạo điều kiện cho cổ đông mới tham gia, trong khi nhóm ông Dương Công Minh hiện chỉ sở hữu khoảng 5%.

Sacombank: Chặng cuối của quá trình tái cơ cấu

Được thành lập từ năm 1991, Sacombank (HoSE: STB) là một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên tại TP. HCM. Năm 2006, STB là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên HoSE, sau đó vươn lên vị trí trong top 2 ngân hàng tư nhân có quy mô lớn nhất.

Đến năm 2015, Sacombank bất ngờ đổi chủ, với nhóm tài phiệt do Trầm Bê dẫn đầu nắm giữ trên 50% cổ phần, vượt qua số cổ phần của nhóm sáng lập do ông Đặng Văn Thành đứng đầu, sau quá trình âm thầm thâu tóm giai đoạn 2012 - 2015. Theo yêu cầu của nhóm cổ đông mới, STB phải sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, vốn đang có tỷ lệ nợ xấu lên tới 50%. Việc sáp nhập này đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn đầy thách thức đối với Sacombank, đặc trưng bởi một lượng lớn tài sản nợ xấu (tài sản tồn đọng).

Chặng cuối của quá trình cơ cấu Sacombank (STB): Hàng chục nghìn tỷ đồng quay trở lại, 'khoảng trống quyền lực' xuất hiện
Nguồn: VNDirect Research

Năm 2017, Sacombank bắt đầu quá trình tái cơ cấu sau khi ông Trầm Bê và các cộng sự bị bắt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đặt Sacombank dưới sự giám sát chặt chẽ và đề ra kế hoạch 10 năm (2015 - 2025) nhằm tái cơ cấu và vực dậy sức sống ngân hàng. Sacombank thực hiện quá trình này bằng cách tăng trích lập dự phòng và bán đấu giá tài sản đảm bảo (tài sản tồn đọng).

Đến cuối năm 2023, Sacombank đã xử lý gần hết tài sản tồn đọng và trích lập dự phòng gần như toàn bộ giá trị trái phiếu VAMC. Giá trị ròng của trái phiếu VAMC giảm xuống khoảng 1.800 tỷ đồng vào cuối năm 2023, từ mức trên 41.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017.

Hàng chục nghìn tỷ đồng trả về Sacombank

Chặng đường tái cơ cấu về cuối cũng là lúc Sacombank hưởng "trái ngọt". Hồi đầu năm, ngân hàng này thông báo đã đấu giá thành công Khu công nghiệp Phong Phú với giá khoảng 7.900 tỷ đồng. Đây là tài sản tồn đọng đã được đem thế chấp cho lô trái phiếu VAMC, với giá trị nợ gốc khoảng 5.100 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II/2024, ngân hàng báo cáo đã nhận được 20% số tiền đấu giá và dự kiến sẽ nhận số tiền còn lại trong vòng 2 năm tới. Ngoài ra, Sacombank đã hoàn tất trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC được thế chấp bởi Khu công nghiệp Phong Phú và cũng đã xóa hết các khoản lãi phải thu liên quan đến tài sản tồn đọng này.

Do vậy, VNDirect Research nhận định rằng Sacombank sẽ được hưởng lợi từ việc hoàn nhập đã trích lập cho lô trái phiếu VAMC (có Khu công nghiệp Phong Phú làm tài sản thế chấp) và ghi nhận lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá bán và nợ gốc ban đầu.

Chặng cuối của quá trình cơ cấu Sacombank (STB): Hàng chục nghìn tỷ đồng quay trở lại, 'khoảng trống quyền lực' xuất hiện
Hoàn nhập trích lập dự phòng giúp lợi nhuận Sacombank tăng mạnh giai đoạn 2024 - 2026

Ngoài ra, 32,5% số cổ phần của nhóm ông Trầm Bê là tài sản thế chấp được quản lý bởi VAMC, với giá trị nợ gốc khoảng 11.000 tỷ đồng, có thể hoàn nhập dự phòng toàn bộ giá trị đã trích lập nếu bán đấu giá thành công.

VNDirect Research dự kiến Sacombank sẽ hoàn nhập khoảng 2.900 tỷ đồng trong năm 2024, với giả định nhận được 60% giá trị bán của Khu công nghiệp Phong Phú. Phần còn lại, tức 40% giá trị bán của Phong Phú, sẽ được ghi nhận vào năm 2025. Đồng thời, nếu bán 32,5% cổ phần với giá 27.000 đồng/cổ phần vào các năm 2025 và 2026, Sacombank sẽ tiếp tục hoàn nhập số tiền 5.300 tỷ đồng và 4.900 tỷ đồng. Tổng cộng là 13.100 tỷ đồng được hoàn nhập.

"Khoảng trống quyền lực" xuất hiện

Chặng cuối của quá trình cơ cấu Sacombank (STB): Hàng chục nghìn tỷ đồng quay trở lại, 'khoảng trống quyền lực' xuất hiện
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank

Quá trình tái cơ cấu không thể không nhắc đến dấu ấn của ông Dương Công Minh. Năm 1997, ông Dương Công Minh thành lập CTCP Him Lam, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản; đến năm 2008, ông thành lập Ngân hàng LPBank và giữ chức Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2008 - 6/2017.

Từ tháng 6/2017, ông Dương Công Minh tham gia tái cơ cấu Sacombank với tư cách là Chủ tịch HĐQT. Do yêu cầu của pháp luật, ông Minh đã từ chức và thoái vốn tại LPBank, ngoài ra còn tự nguyện từ chức Chủ tịch Him Lam dù vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phần đáng kể trong công ty. Dưới thời ông Dương Công Minh, Sacombank đã có những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết tài sản tồn đọng của ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Minh cùng chị gái là bà Dương Thị Liêm và các bên liên quan hiện chỉ sở hữu khoảng 5% cổ phần. Nếu đấu giá thành công 32,5% cổ phần của nhóm Trầm Bê, Sacombank dự kiến sẽ có sự xáo trộn quyền lực nếu cổ đông mới là người ngoài.

>> Số cổ phần của nhóm ông Trầm Bê tại Sacombank (STB) được định giá tới 31.000 tỷ đồng

Bamboo Airways giảm 60% doanh thu sau tin CEO bị hoãn xuất cảnh, nguy cơ phá sản gây đổ vỡ dây chuyền

Cổ phiếu 'làm mưa làm gió' trên UPCoM với mức tăng hơn 5.000% trong năm 2024 chính thức chào sàn HNX

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chang-cuoi-cua-qua-trinh-co-cau-sacombank-stb-hang-chuc-nghin-ty-dong-quay-tro-lai-khoang-trong-quyen-luc-xuat-hien-252718.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chặng cuối của hành trình cơ cấu Sacombank (STB): Hàng chục nghìn tỷ đồng quay trở lại, 'khoảng trống quyền lực' xuất hiện
POWERED BY ONECMS & INTECH