Chi gần 2.800 tỷ đồng ‘thâu tóm’ Nhựa Bình Minh (BMP), đại gia Thái Lan được gì sau 11 năm?

02-01-2024 07:47|Yên Hoàng

Cổ phiếu BMP vừa có phiên lập đỉnh lịch sử tại mức 106.200 đồng/cp, đưa vốn hóa thị trường cũng tăng gấp đôi lên hơn 8.000 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một khoảng thời gian giao dịch giằng co với sự phân hoá rõ rệt. Nhiều cổ phiếu chững lại, thậm chí giảm sâu nhưng cũng có không ít cái tên bứt phá mạnh mẽ.

Đáng chú ý nhất trong nhóm Bluechips phải kể đến nhựa Bình Minh (mã BMP) khi vừa gia nhập câu lạc bộ “ba chữ số” trên sàn chứng khoán vào phiên giao dịch ngày 22/12, đến ngày 28/12 cổ phiếu này lại tiếp tục chinh phục mức đỉnh mới. Ở mức giá 106.200 đồng/cp, BMP tăng gần 38% so với thời điểm cuối tháng 10/2023 và tăng gấp đôi so với cách đây 1 năm. Vốn hóa thị trường cũng tăng gấp đôi lên hơn 8.000 tỷ đồng, củng cố vị trí số một về vốn hóa trong ngành nhựa trên sàn chứng khoán.

Chi gần 2.800 tỷ đồng ‘thâu tóm’ Nhựa Bình Minh (BMP), đại gia Thái Lan được gì sau 11 năm?
Diễn biến giá cổ phiếu BMP 1 năm gần đây

Cổ phiếu BMP bứt phá mạnh, cổ đông vui nhất có lẽ là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd - một thành viên của Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan. Tổ chức này hiện đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 45 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng 55% vốn. Ước tính, số cổ phần BMP trong tay người Thái có giá trị thị trường gần 3.500 tỷ đồng.

>> Cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP) liên tục tạo đỉnh, 'món hời' lớn cho chiến lược săn cổ tức

The Nawaplastic trở thành cổ đông lớn của nhựa Bình Minh từ đầu tháng 3/2012 sau khi chi ra khoảng 243 tỷ đồng mua vào 5,85 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng tỷ lệ 16,72% vốn thời điểm đó. Sau đó tổ chức này chi thêm khoảng 50 tỷ đồng để gom thêm cổ phần và nâng sở hữu lên trên 20% vào cuối năm 2012.

“Đại gia” Thái Lan thực sự gây chú ý khi “ôm” trọn lô 24,13 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018. Với giá trúng bình quân bằng giá khởi điểm 96.500 đồng/cổ phiếu, ước tính The Nawaplastic đã chi ra khoảng 2.300 tỷ đồng cho thương vụ trên. Cổ đông này tỏ rõ tham vọng chi phối nhựa Bình Minh khi liên tục tăng sở hữu.

Đến giữa năm 2018, tổ chức này đã nắm trên 54% cổ phần sau khi bỏ ra khoảng 130 tỷ đồng để mua thêm cổ phiếu. Vào đầu tháng 3 năm nay, The Nawaplastic tiếp tục chi thêm khoảng 25 tỷ đồng để nâng sở hữu tại nhựa Bình Minh lên xấp xỉ 55%. Ước tính, tổ chức này đã chi ra tổng cộng khoảng 2.750 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần BMP như hiện nay.

Đến nay, khoản đầu tư này của Tập đoàn SCG đã có giá trị thị trường lên đến gần 4.700 tỷ đồng, tương ứng khoản tạm lãi 1.900 tỷ đồng.

>> Điểm tên các đại gia Thái Lan được chia cổ tức tính bằng tỷ USD từ doanh nghiệp Việt

Tuy nhiên, phần lợi nhuận đã hiện thực hóa thấy rõ nhất chính là khoản cổ tức SCG thu về. Từ năm 2012 đến nay, chưa năm nào nhựa Bình Minh “quên” chia cổ tức bằng tiền. Năm 2022, doanh nghiệp này dành gần như toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức tỷ lệ 84%, trong đó cổ đông Thái Lan bỏ túi 378 tỷ đồng. Đây cũng là mức cổ tức kỷ lục trong một năm của nhựa Bình Minh.

Vào ngày 12/12 vừa qua, ông lớn ngành nhựa này đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ lên đến 65% và SCG tiếp tục thu về 293 tỷ đồng. Ước tính, tổng số tiền cổ tức mà “đại gia” Thái Lan thu về từ khi trở thành cổ đông lớn của nhựa Bình Minh đã lên đến gần 1.800 tỷ đồng.

Ngoài chia cổ tức bằng tiền, nhựa Bình Minh còn có 2 đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu vào năm 2012 (tỷ lệ 30%) và năm 2016 (tỷ lệ 80%).

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhựa Bình Minh có thể sẽ trả cổ tức tiền mặt cho năm 2023 lên tới 120% (12.000 đồng/cp). Nếu dự báo này chính xác, cổ đông của nhựa Bình Minh trong đó có SCG sẽ còn được nhận thêm đợt cổ tức lớn nữa. Nhận định này không phải không có cơ sở khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp thời gian qua “như diều gặp gió”.

>> Dấu ấn Nhựa Bình Minh (BMP) năm 2023: Cổ phiếu tăng gấp đôi, chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ gần 120%

Theo đó, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của nhựa Bình Minh đạt 3.703 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái; biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 41%, từ mức 26% của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 784 tỷ đồng, tăng 75%. Đây cũng là kỷ lục mới về lợi nhuận của nhựa Bình Minh.

Chi gần 2.800 tỷ đồng ‘thâu tóm’ Nhựa Bình Minh (BMP), đại gia Thái Lan được gì sau 11 năm?
Tình hình kinh doanh những năm gần đây của Nhựa Bình Minh

Năm 2023, nhựa Bình Minh kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 6.357 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 6% so với năm trước, xuống còn 651 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và vượt 20% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tình hình tài chính của nhựa Bình Minh cũng khá lành mạnh. Tính đến 30/9/2023, tổng tài sản của công ty đạt 3.477 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền gửi tại ngân hàng với 2.035 tỷ đồng. Sau 3 quý đầu năm, công ty thu về 88 tỷ đồng lãi tiền gửi, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong khi đó, nợ phải trả chỉ ở mức 512 tỷ đồng, vay nợ tài chính hơn 55 tỷ đồng.

>> Nhựa Bình Bình (BMP) lãi kỷ lục sau 9 tháng, quá nửa tài sản là tiền mặt

Dấu ấn Nhựa Bình Minh (BMP) năm 2023: Cổ phiếu tăng gấp đôi, chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ gần 120%

Cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP) liên tục tạo đỉnh, 'món hời' lớn cho chiến lược săn cổ tức

Điểm tên các đại gia Thái Lan được chia cổ tức tính bằng tỷ USD từ doanh nghiệp Việt

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chi-gan-2800-ty-dong-thau-tom-nhua-binh-minh-bmp-dai-gia-thai-lan-duoc-gi-sau-11-nam-217970.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chi gần 2.800 tỷ đồng ‘thâu tóm’ Nhựa Bình Minh (BMP), đại gia Thái Lan được gì sau 11 năm?
POWERED BY ONECMS & INTECH