Doanh nghiệp 1.300 nhân sự do người Thái sở hữu: Cổ tức Top đầu, cổ phiếu phá đỉnh – điểm đến của nhà đầu tư giá trị
Trong khi Sabeco (SAB) – dưới sự sở hữu của Thaibev – gặp nhiều thử thách sau thâu tóm, thì Nhựa Bình Minh (BMP) lại là hình mẫu doanh nghiệp do người Thái sở hữu đáng được gọi tên trong danh mục đầu tư giá trị.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cổ tức tiền mặt Top đầu sàn chứng khoán
BMP gây sốc khi thông qua chính sách cổ tức tiền mặt tổng cộng 119,9% lợi nhuận sau thuế năm 2024, tương đương gần 982 tỷ đồng. Phần lớn dòng tiền này chảy về tay SCG (Thái Lan) – công ty mẹ đang nắm gần 55% cổ phần BMP.
Không chỉ riêng năm 2024, SCG đã thu về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức tiền mặt từ BMP trong nhiều năm qua. Từ khi thâu tóm BMP thông qua phiên đấu giá SCIC năm 2018, SCG duy trì vai trò là cổ đông chi phối chiến lược.
![]() |
Lịch sử trả cổ tức của Nhựa Bình Minh |
Lợi nhuận tăng vọt, lãi kép hỗ trợ
BMP tăng trưởng ngoạn mục từ mức lãi ròng 214 tỷ đồng năm 2021 lên 1.041 tỷ đồng năm 2023. Năm 2024, lãi sau thuế điều chỉnh nhẹ còn 991 tỷ đồng – vẫn nằm trong nhóm đầu ngành nhựa.
Quy mô tổng tài sản ở mức 3.200 tỷ đồng được kiến tạo bởi đội ngũ 1.300 nhân sự, vốn điều lệ gần 819 tỷ - được góp bởi gần 3.500 cổ đông.
![]() |
Nguồn: BCTN 2024 của Nhựa Bình Minh |
Tại ĐHCĐ thường niên 2025, BMP đặt kế hoạch doanh thu 5.362 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.055 tỷ đồng. Ngay trong quý I/2025, BMP gây bất ngờ khi doanh thu tăng 38% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 287 tỷ đồng, tăng tới 51%.
Cổ phiếu tăng gần 50% trong một tháng sau cú sốc thuế quan
Kể từ sau khi giảm về mốc 100.000 đồng/cp trong đợt điều chỉnh mạnh đầu tháng 4, BMP đã bật tăng gần 50% lên mức kỷ lục 151.100 đồng/cp (phiên 13/5), với vốn hóa xấp xỉ 12.400 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tác động của câu chuyện thuế quan Mỹ đến công ty trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud cho biết, sản phẩm của Nhựa Bình Minh chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, song song với một số khách hàng đến từ các nước láng giềng như Lào và Campuchia. Điều này chỉ ra rằng hoạt động kinh doanh của Nhựa Bình Minh tương đối ổn định và không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách thuế gần đây của Hoa Kỳ.
"Tuy vậy, chúng ta cần có cái nhìn về bối cảnh hiện nay. Hiệu quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh thường biến động song hành với sự phát triển của đất nước, tăng trưởng GDP. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự điều hành linh hoạt và thận trọng của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt những nỗ lực không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng. Các sản phẩm của chúng ta gắn chặt với sự phát triển của cơ sở hạ tầng", ông Sakchai Patiparnpreechavud nhấn mạnh.
Có thể thấy, Nhựa Bình Minh trong nhiều năm trở lại đây dần hội đủ đặc điểm hiếm thấy với nhà đầu tư giá trị: Tăng trưởng bền vững, dòng tiền cổ tức dồi dào và giá cổ phiếu tăng trưởng gắn liền với hiệu quả kinh doanh. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị thử thách, BMP nổi bật như một lựa chọn an toàn, dài hạn và giàu tiềm năng.
>> CEO nhận lương nửa tỷ đồng/tháng rời công ty Top đầu về chia cổ tức bằng tiền