Chi gần 5.000 tỷ đồng để đem 'văn minh ánh sáng' đến vùng đất 'hồi sinh từ địa ngục' của Việt Nam
Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có tổng mức đầu tư hơn 4.923 tỷ đồng hiện đang được khẩn trương triển khai.
Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, hành trình mang "văn minh ánh sáng" đến Côn Đảo có tổng mức đầu tư hơn 4.923 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách và vốn tự có của EVN.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện tại Côn Đảo dự kiến sẽ tăng mạnh theo tốc độ phát triển kinh tế.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, dự kiến đến năm 2035, huyện đảo Côn Đảo sẽ cần hơn 90MW và đến năm 2045 cần hơn 114MW nguồn điện.
Trong khi đó, hiện nay Côn Đảo được cấp nguồn điện diesel có tổng công suất 11.820kW, chủ yếu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng như phục vụ một phần kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Dự kiến sẽ đóng điện công trình vào quý IV/2025 nhằm mục tiêu cung cấp điện ổn định, an toàn cho lưới điện trên đảo Côn Đảo, đáp ứng các mục tiêu phát triển của huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo quốc gia.
Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo và hướng dẫn Tập đoàn Điện lực (EVN) trong việc rà soát và hoàn thiện hồ sơ dự án... nhằm đảm bảo an toàn và phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư dự án cũng như phù hợp với mục đích truyền tải trong hệ thống điện quốc gia.
Chính phủ cũng đã giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN cân đối và bố trí đủ nguồn vốn, tổ chức thực hiện quản lý đầu tư dự án nhằm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
EVN chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, quản lý dự án theo đúng với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Thời điểm hiện tại, thời gian thi công của dự án chỉ còn khoảng 18 tháng trong khi khối lượng thi công công việc lớn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của BQLDA điện 3 (EVNPMB3) - đơn vị được EVN giao làm đại diện chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên quan.
Dự án sẽ triển khai các hạng mục công trình như: Xây dựng đường dây 110kV trên không; thi công cáp ngầm 110kV vượt biển; thi công cáp ngầm trên đảo; xây trạm biến áp GIS 110kV trên đảo...
Trong đó, đáng chú ý nhất là hạng mục đầu tư xây dựng cáp ngầm vượt biển với chiều dài tuyến 77,7km, cáp ngầm trên đảo khoảng 8,5km.
Với lượng công việc lớn và khó trong dự án trọng điểm này, EVNPMB3 đã tích cực phối hợp cùng với tư vấn và các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt các công việc có liên quan đến thiết kế mỹ thuật, kế hoạch tổng thể của dự án; lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đảm bảo đáp ứng tốt nhất các yêu cầu thi công đặc thù của dự án.
Về nguồn nhân lực cho dự án, EVNPMB3 cũng đã thành lập Ban điều hành dự án, bố trí nhân lực ứng trực tại 2 tỉnh mà dự án đi qua (Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu) nhằm đảm bảo triển khai kịp thời và có hiệu quả các công việc.
Việc cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển có thể đáp ứng tiêu chí cung cấp điện liên tục, ổn định và lâu dài theo nhu cầu phụ tải cực đại trên đảo trong từng giai đoạn phát triển; tốn ít diện tích đất trên đảo và không ảnh hưởng nhiều đến khu vực dân cư; không gây tác động xấu đến môi trường và cảnh quan xung quanh.
Mặc dù vậy, việc kéo cáp ngầm vượt biển sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt khi thời gian thi công dự án phải trải qua 2 mùa biển động (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau); trong khi đó, với phần cáp ngầm trên đảo, việc xây dựng cần đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Côn Đảo.
Côn Đảo là một quần đảo nằm ngoài khơi vùng biển Nam Bộ (Việt Nam), thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là nơi từng được mệnh danh "địa ngục trần gian" khi gắn với những câu chuyện thương đau nhưng tự hào về một thời lịch sử oanh liệt.
Trở mình vực dậy từ "đau thương" trong quá khứ, Côn Đảo đã ngày càng có tốc độ phát triển mạnh mẽ, trở thành vùng đất "thiên đường của thiên nhiên" với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nơi đây cũng từng lọt top 10 hòn đảo "đẹp nhất hành tinh".
Theo như Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, nội dung cũng xác định khu vực nghiên cứu lấn biển có quy mô 140ha, tập trung tại khu vực Cỏ Ống, trung tâm Côn Sơn, Bến Đầm theo phương án quy hoạch.
Khu vực lấn biển trong tương lai sẽ tập trung phát triển chức năng, mở rộng cảng hàng không Côn Đảo và xây dựng cảng cũng như dịch vụ hậu cần cảng Côn Đảo; công trình an ninh, quốc phòng và dịch vụ du lịch.
Một doanh nghiệp đề nghị thu hồi hai dự án trên vị trí 'đất vàng' quận 1
Tuyến cao tốc hơn 17.000 tỷ đồng giúp khơi thông 'cửa ngõ' miền Tây được tiếp thêm nguồn lực