Tại thời điểm 31/12/2022, chỉ số đòn bẩy tài chính của Bamboo Capital được cải thiện đáng kể. Trong năm 2023, BCG không có khoản trái phiếu nào đáo hạn.
CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với doanh thu thuần đạt 1.221,1 tỷ đồng, tăng 78% so với quý 4/2021.
Sự đóng góp về mặt doanh thu vẫn đến chủ yếu từ mảng bất động sản (272 tỷ); năng lượng tái tạo (207 tỷ) và xây dựng - hạ tầng (616 tỷ). Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh lên 1.089,4 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm 38,8% về còn 131,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 43,45% về mức 385,2 tỷ đồng, trong khi, các loại chi phí tăng vọt: chi phí tài chính tăng 57,6% lên 640,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng tăng 143,4% lên 63,53 tỷ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng |
Kết quả, BCG báo lỗ hơn 338,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 271,5 tỷ đồng. Theo Bamboo Capital, sự chênh lệch lợi nhuận đến từ việc tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thấp đã có tác động tiêu cực đến các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất cũng làm cho chi phí tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ 2021.
Lũy kế cả năm, BCG mang về 4.531,6 tỷ đồng, tăng 75% so với 2021; 546,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm 45%.
Tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản của BCG đạt mức 44.006 tỷ đồng, tăng gần 17% so với thời điểm đầu năm. Trong số đó, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 629,5 tỷ đồng (giảm 39,7%), đầu tư tài chính ngắn hạn 510,6 tỷ đồng (giảm 67,7%), các khoản phải thu ngắn hạn 13.610 tỷ đồng (tăng hơn 32%)…
Nợ phải trả của BCG tăng nhẹ so với đầu năm lên mức 30.204,8 tỷ đồng, song tổng nợ trên vốn chủ sở hữu đã giảm từ mức 3,5 lần tại cuối năm 2021 xuống còn 2,2 lần. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu cũng giảm còn 1,1 lần, đồng nghĩa với rủi ro tài chính đã được giảm thiểu về mức an toàn. Ngoài ra, BCG cho biết trong năm 2023, Công ty không có khoản trái phiếu nào đến hạn.