Nhờ quý 1 khởi sắc nên tính chung 6 tháng đầu năm 2022 Masan Consumer vẫn lãi sau thuế tăng 11,9% lên 2.251 tỷ đồng.
CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – mã chứng khoán MCH) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu và lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý đạt 5.633 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ, trong khi đó tỷ lệ giảm chi phí vốn cao hơn, đến 3% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.325 tỷ đồng, còn giảm 1% so với quý 2/2021.
Trong quý doanh thu tài chính đạt 214 tỷ đồng, tăng 27 tỷ đồng tương ứng tăng 14,8% so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính tăng 44 tỷ đồng, tương ứng tăng 71% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu chi phí tài chính, chi phí lãi vay hơn 72 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng giảm 2,8% xuống 937 tỷ đồng còn chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 12,2% lên 243 tỷ đồng.
Kết quả, quý 2 Masan Consumer báo lãi trước thuế 1.263 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.067 tỷ đồng, giảm 4,3% so với số lãi 1.115 tỷ đồng đạt được quý 2 năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu Masan Consumer đạt 11.818 tỷ đồng, tăng 7,2% so với nửa đầu năm ngoái. Trừ chi phí vốn công ty còn lãi gộp 4.925 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính trong kỳ đạt 402 tỷ đồng, tăng 9,4% – doanh thu tài chính của công ty bao gồm thu lãi tiền gửi từ ngân hàng (258 tỷ đồng – tăng 110 tỷ đồng so với cùng kỳ - và thu nhập lãi từ khoản cho 1 bên khác vay 132 tỷ đồng – giảm hơn 80 tỷ đồng so với cùng kỳ). Chi phí tài chính tăng cao hơn, đến 63% lên mức 192 tỷ đồng trong đó chi phí lãi vay 139 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 35 tỷ đồng còn lại là chi phí khác. Ngoài ra chi phí bán hàng tăng 5,2% lên 2.077 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp đi ngang với 451 tỷ đồng.
Kết quả, Masan Consumer báo lãi trước thuế 2.615 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.251 tỷ đồng, tăng trưởng 11,9% so với số lãi 2.012 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 2.200 tỷ đồng. EPS đạt 3.071 đồng.
Đối với dòng tiền, tính đến 30/6/2022 Masan Consumer ghi nhận tổng nợ phải trả 11.380 tỷ đồng, tăng 180 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 6.800 tỷ đồng (giảm 630 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn giảm được 218 tỷ đồng so với đầu kỳ về 845 tỷ đồng). Tổng tiền đi vay ngắn và dài hạn tại ngân hàng hơn 7.600 tỷ đồng.
Trong khi đó tiền và tương đương tiền đến 30/6/2022 đạt hơn 5.700 tỷ đồng, giảm 7.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó ngoài tiền mặt tại quỹ, tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng thì Masan Consumer còn có hơn 5.500 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng tại ngân hàng (giảm 7.400 tỷ đồng so với đầu năm). Ngoài ra công ty còn có khoản tiền gần 372 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng tại ngân hàng (tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm).
Không chỉ vậy, Masan Consumer vẫn duy trì một khoản phải thu về cho vay ngắn hạn từ một bên liên quan 4.181 tỷ đồng (tăng 100 tỷ đồng so với đầu năm) – là khoản cho vay không tài sản đảm bảo và hưởng lãi suất 6,5%. Khoản cho vay này sẽ đến hạn trả vào 31/12/2022. Đây là khoản cho Công ty mẹ Công ty TNHH MasanConssumerHoldings vay.
Các khoản phải thu khác tăng mạnh từ hơn 2.200 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 8.900 tỷ đồng – chủ yếu do xuất hiện các khoản ký quỹ ngắn hạn cho hoạt động đầu tư tổng giá trị 6.430 tỷ đồng.