Chi phí vận chuyển tăng đột biến, xuất nhập khẩu "hoang mang"

15-12-2021 14:36|Thiên Ban

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu "thiệt hại khủng khiếp" do chi phí vận chuyển tăng và đắt đỏ.

Chi phí vận chuyển đắt đỏ tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp

Chia sẻ tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 sáng 14/12, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, May 10 là một mắt xích trong chuỗi cung ứng về sản phẩm dệt may toàn cầu và hiện đang là khách hàng tương đối lớn của các doanh nghiệp logistics.

Trong 2 năm vừa qua 2020 và 2021, ông Việt cho biết, bên cạnh những khó khăn từ thị trường xuất khẩu và nội địa, nguyên liệu đầu vào bị phụ thuộc, doanh nghiệp "anh lớn" của ngành dệt may Việt Nam còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do sự tăng đột biến các loại chi phí logistics.

Tổng Giám đốc May 10 còn khẳng định, chi phí vận chuyển đang quá đắt đỏ, tăng đột biến. Ông còn cho biết vấn đề thu các loại phí logitics đang gây ra nhiều phiền toái. Ngoài ra, khi không chủ động được tàu bên nhận hàng thì doanh nghiệp luôn bị lệ thuộc, bị động trong mọi tình huống.

Chia sẻ về giá cước vận tải biển, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, thời điểm này năm 2020, giá cước container sang bờ đông nước Mỹ chỉ khoảng 3.500-4.000 USD/container. Nhưng nay, vẫn cung đường ấy, giá cước đã lên tới 15.000 USD, thậm chí 18.000 USD/container.

nguyen-hong-dien.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Tích cực bồi dưỡng nhân lực

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), có khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu so với năm 2020 và hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10-30% so với cùng kỳ năm 2020.

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Chưa kể, doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn khoảng 95%, nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần cao hơn.

Ông Lê Quang Trung cho biết, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp logistics đang gặp phải đó là đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục (business continuity) và sự tăng phi mã của cước vận tải biển cũng như sự thiếu hụt, mất cân bằng container trên toàn thế giới. Vấn đề tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực làm việc phù hợp mà vẫn phải đảm bảo an toàn, các quy định về phòng chống dịch như 5K hay thực hiện 3 tại chỗ…

Nhận định xu hướng số hóa và thương mại điện tử là xu hướng bắt buộc đối với sự phát triển của doanh nghiệp logistics, bà Bùi Thị Lê Hằng - Phó Tổng Giám đốc ALS nhận định, có hai yếu tố tác động chính đến việc số hóa của doanh nghiệp.

Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu của khách hàng bởi khách hàng hiện nay đã đẩy mạnh số hóa để tiến đến gần hơn với người tiêu dùng, theo đó chuỗi cung ứng cần nhanh hơn, linh hoạt hơn.

Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu của nhà chức trách khi Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế số. Chính vì vậy, bà Hằng cho rằng, nếu không số hóa, các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ bị lùi lại phía sau.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, để góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần chú trọng tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như 3PLvà 4PL, dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, dịch vụ logistics xuyên biên giới...

Lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những "mạch máu" của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

logistics.jpg
Diễn đàn logistics Việt Nam 2021

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics phát triển; ban hành nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị, kế hoạch và văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành logistics phát triển, hạn chế tối đa sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân chủ quan của những hạn chế nêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Bộ trưởng cho rằng, khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác hoàn thiện thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế đối ngoại để hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định pháp luật về logistics, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và môi trường kinh doanh thông thoáng đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy tự động hóa tối đa các quy trình hoạt động, giúp hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu suất và cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng trong điều kiện nhân lực hạn chế và thị trường có nhiều biến động.

Triển khai các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi; kết nối các phương thức vận tải. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics theo hướng giảm thiểu thủ tục kiểm tra tại khâu nhập khẩu, tăng cường hậu kiểm và minh bạch trong vấn đề thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành logistics Việt Nam phát triển.

"Đặc biệt, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo giữa Việt Nam với các nước, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia phát triển, có thế mạnh trong đào tạo nhân lực ngành logistics để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước và đội ngũ giảng viên giảng dạy có chất lượng cao phục vụ công tác đào tạo nhân lực logistics trong nước", Bộ trưởng yêu cầu.

Một doanh nghiệp ngành than chốt quyền chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30%

Cảnh báo lừa đảo khi giao dịch xuất nhập khẩu với đối tác tại UAE

MBS Research gọi tên 13 doanh nghiệp hưởng lợi khi tỷ giá tăng cao

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chi-phi-van-chuyen-tang-dot-bien-xuat-nhap-khau-hoang-mang-130423.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chi phí vận chuyển tăng đột biến, xuất nhập khẩu "hoang mang"
POWERED BY ONECMS & INTECH