Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số Đô La Mỹ tháng 3 năm 2024
Theo quy luật tiêu dùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng Ba tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%.
Tính chung quý I năm 2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
I. TỔNG QUAN
Trong quý I năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột quân sự Nga – Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ. Nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu yếu khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Lạm phát có xu hướng hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn có thể tạo nên cú sốc cho lạm phát. Lạm phát của Mỹ tháng 02/2024 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Tại cuộc họp tháng 3/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5%, mức cao nhất 23 năm qua nhằm đưa lạm phát của Mỹ về mức mục tiêu 2%. Trong tháng 02/2024, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; Pháp tăng 3%; Đức tăng 2,5%; Anh tăng 3,4%. Tại châu Á, lạm phát tháng 02/2024 của Lào tăng 25,35%; Phi-lip-pin tăng 3,4%; Hàn Quốc tăng 3,1%;
In-đô-nê-xi-a tăng 2,75%. Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, CPI tháng 03/2024 tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Nhiều giải pháp được triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản; đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện; gia hạn visa cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động như quy luật hằng năm, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Chỉ số giá tiêu dùng quý I năm 2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023.
II. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 3/2024
So với tháng trước, CPI tháng 3/2024 giảm 0,23% (khu vực thành thị giảm 0,21%; khu vực nông thôn giảm 0,25%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá và 4 nhóm hàng tăng giá.
Diễn biến giá tiêu dùng tháng 3/2024 so với tháng trước của các nhóm hàng chính như sau:
1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,76%)
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3/2024 giảm 0,76% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm, trong đó lương thực giảm 0,42%, tác động giảm 0,02 điểm phần trăm; nhóm thực phẩm giảm 1,19%, tác động giảm 0,25 điểm phần trăm; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%, tác động tăng 0,02 điểm phần trăm.
1.1. Lương thực (-0,42%)
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 3/2024 giảm 0,42% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo giảm 0,5% (Gạo tẻ thường giảm 0,49%; gạo tẻ ngon giảm 0,27% và gạo nếp giảm 1,31%). Giá gạo trong nước giảm chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng gạo của người dân giảm sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu giảm do các nước đang vào vụ thu hoạch chính nên nguồn cung dồi dào.
Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 14.900-18.900 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 20.400-23.900 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 22.200-24.200 đồng/kg; giá gạo nếp từ 27.000-41.300 đồng/kg.
Theo đó, giá các mặt hàng lương thực khác giảm theo như: Giá khoai giảm 4,46% so với tháng trước; miến giảm 0,67%; bột ngô giảm 0,02%; ngũ cốc khác giảm 0,2%.
1.2. Thực phẩm (–1,19%)
Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 3/2024 giảm 1,19% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng sau:
– Chỉ số giá thịt lợn trong tháng giảm 2,17% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,07 điểm phần trăm. Tính đến ngày 25/3/2024, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 59.000-62.000 đồng/kg. Theo đó, mỡ động vật giảm 1,39% so với tháng trước; nội tạng động vật giảm 1,24%; thịt quay, giò chả giảm 0,93%. Giá thịt bò giảm 1,3%. Giá thịt gia cầm giảm 1,7%, trong đó thịt gà giảm 1,83%, thịt gia cầm khác giảm 1,38%, thịt gia cầm đông lạnh giảm 1,23%. Giá trứng các loại giảm 2,78%.
– Chỉ số giá thủy sản tươi sống giảm 1,65% so với tháng trước, thủy sản chế biến giảm 0,55%.
– Thời tiết thuận lợi, diện tích cây trồng tăng làm tăng sản lượng trái cây làm cho chỉ số giá quả tươi, chế biến giảm 2,64%, trong đó xoài giảm 4,8%, chuối giảm 3,37%, quả có múi giảm 0,98%, quả tươi khác giảm 2,72%.
– Chỉ số giá rau tươi, khô và chế biến giảm 0,62%, trong đó giá cà chua giảm 3,2%; khoai tây giảm 2,39%; su hào giảm 2,44%; bắp cải giảm 1,79%; rau gia vị tươi khô các loại giảm 0,94%; rau tươi khác giảm 0,19% do nguồn cung dồi dào, phong phú.
– Chỉ số giá đường giảm 0,33%; bánh mứt, kẹo giảm 0,19%; đồ gia vị và chè, cà phê, ca cao đều giảm 0,04%.
1.3. Ăn uống ngoài gia đình (+0,19%)
Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 3/2024 tăng 0,19% so với tháng trước, chủ yếu do chi phí nhân công tăng và giá điện ở mức cao, trong đó giá ăn ngoài gia đình tăng 0,2%; uống ngoài gia đình tăng 0,35%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,03%.
2. Đồ uống và thuốc lá (-0,07%)
Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 3/2024 giảm 0,07% so với tháng trước theo quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm, trong đó giá rượu bia giảm 0,23%; đồ uống không cồn giảm 0,05%; riêng nhóm thuốc hút tăng 0,15% do giá đô la Mỹ tăng.
3. May mặc, mũ nón, giày dép (–0,06%)
Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 3/2024 giảm 0,06% so với tháng trước do thời tiết các tỉnh miền Bắc ấm dần lên và người dân thắt chặt chi tiêu sau Tết. Trong đó, giày dép giảm 0,08% so với tháng trước; quần áo may sẵn giảm 0,06%; may mặc khác giảm 0,12%.
4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,29%)
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 3/2024 tăng 0,29% so với tháng trước tác động làm tăng CPI chung 0,05 điểm phần trăm, trong đó một số mặt hàng tăng giá:
– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,15% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,33%, chủ yếu do giá cát tăng khi thiếu nguồn cung.
– Giá điện sinh hoạt tháng Ba tăng 0,47% so với tháng trước, nước sinh hoạt tăng 2,1%[1] do nhu cầu tiêu dùng tăng.
– Giá gas tăng 0,49% so với tháng trước do từ ngày 01/3/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 2.000 đồng/bình 12 kg do điều chỉnh tỷ giá USD.
Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa tháng 3/2024 giảm 0,1% so với tháng 02/2024 do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,01%)
Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 3/2024 tăng nhẹ 0,01% so với tháng trước. Trong đó, giá một số mặt hàng tăng: Giá bàn là điện tăng 1,01%; đèn điện thắp sáng tăng 0,3%; quạt điện tăng 0,25%; đồ dùng nấu ăn tăng 0,2%; đồ dùng bằng kim loại tăng 0,15%; dịch vụ sửa chữa thiết bị trong gia đình tăng 0,12%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,03%.
6. Thuốc và dịch vụ y tế (+0,02%)
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng 3/2024 tăng 0,02% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá thuốc các loại tăng 0,08% chủ yếu do một số mặt hàng thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, chống viêm, thuốc dùng cho đường hô hấp tăng giá khi thời tiết chuyển mùa nồm ẩm tại một số địa phương miền Bắc.
7. Giao thông (-0,03%)
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 3/2024 giảm 0,03% so với tháng trước, trong đó:
– Chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 5,76%, chủ yếu do nhu cầu đi lại của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 57,42%; giá vận tải hành khách bằng đường hàng không giảm 6,29%; vận tải hành khách kết hợp giảm 5%; vận tải hành khách bằng đường bộ giảm 3,13%.
– Chỉ số giá xăng tăng 0,72%; chỉ số giá dầu diezen giảm 1,15% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
– Dịch vụ rửa xe, bơm xe giảm 0,8%; dịch vụ trông giữ xe giảm 0,09%; dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,36%.
8. Bưu chính, viễn thông (-0,01%)
Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 3/2024 giảm 0,01% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động mẫu mã cũ.
9. Giáo dục (-0,29%)
Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 3/2024 giảm 0,29% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,34%[2]. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ, trong đó yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, theo đó một số trường học đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
10. Văn hóa, giải trí và du lịch (–0,12%)
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng Ba giảm 0,12% so với tháng trước do nhu cầu mua sắm, du xuân sau Tết Nguyên đán giảm, tác động làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm, tập trung ở những mặt hàng sau: Giá nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh giảm 0,84%; du lịch trọn gói giảm 0,45%; khách sạn, nhà khách giảm 0,36%.
11. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,06%)
Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 3/2024 tăng 0,06% so với tháng trước, chủ yếu tăng giá ở một số nhóm hàng: Nhóm đồ trang sức tăng 4,47%; sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,12%. Trong mùa cưới hỏi nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,13%.
12. Chỉ số giá vàng (+4,59%)
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/3/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.139,64 USD/ounce, tăng 5,21% so với tháng 02/2024. Nguyên nhân giá vàng thế giới tăng cao chủ yếu do các nhà giao dịch kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát; căng thẳng địa chính trị kéo dài và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,59% so với tháng trước; tăng 9,41% so với tháng 12/2023; tăng 22,71% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23%.
13. Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,88%)
Trên thế giới, giá đồng đô la Mỹ tăng sau khi FED thông báo giữ duy trì lãi suất trong biên độ 5,25%-5,5%. Tính đến ngày 25/3/2024, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,5 điểm, giảm 0,35% so với tháng trước. Trong nước, nhu cầu đô la Mỹ của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu tăng, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.837 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2024 tăng 0,88% so với tháng trước; tăng 1,81% so với tháng 12/2023; tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024 tăng 3,97%.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3/2024 tăng 3,97%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá.
Các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 3/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước:
– Nhóm giáo dục tăng cao nhất với 10,12% làm CPI chung tăng 0,62 điểm phần trăm, do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
– Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,48%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
– Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,32%, trong đó lệ phí công chứng, bảo hiểm và dịch vụ khác tăng 12,59%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 7,84%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 5,45%; dịch vụ về hiếu hỉ tăng 2,86%.
– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,87%, làm CPI chung tăng 0,92 điểm phần trăm do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá nhà ở thuê tăng.
– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,05%, tác động làm CPI chung tăng 1,36 điểm phần trăm, trong đó nhóm lương thực tăng 16,54%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,29%; thực phẩm tăng 1,94%.
– Nhóm giao thông tăng 2,68% làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm, trong đó phụ tùng tăng 1,94%, bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 4%; xăng dầu tăng 1,75%.
– Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,63%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm, chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống, chi phí vận chuyển tăng.
– Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng Ba tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.
Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông tháng 3/2024 giảm 1,47% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
So với tháng 12/2023, CPI tháng Ba tăng 1,12%, trong 11 nhóm hàng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
Các nhóm hàng tăng giá:
– Nhóm giao thông tháng 3/2024 tăng cao nhất với 3,47% so với tháng 12/2023, trong đó chỉ số giá xăng dầu tăng 7,42% do từ tháng 01/2024 đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh đã làm cho giá xăng A95 tăng 2.140 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.030 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 1.230 đồng/lít.
– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,28% chủ yếu do giá cát tăng khi thiếu nguồn cung, chỉ số giá nước sinh hoạt tăng 4,34%; gas tăng 3,31%; điện sinh hoạt tăng 2,56%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở chính tăng 1,34%; dầu hỏa tăng 1,32%.
– Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,24% do giá nhóm đồ trang sức tăng theo giá vàng thế giới; các dịch vụ về cưới hỏi, dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng vào dịp Tết.
– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,15% do giá lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng.
– Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 1,12% do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết.
– Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,06% chủ yếu do một số mặt hàng thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm, thuốc dùng cho đường hô hấp tăng giá khi thời tiết chuyển mùa nồm ẩm tại một số địa phương miền Bắc.
– Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,78% do nhu cầu mua sắm và du xuân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tăng.
– Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,4% do nhu cầu sử dụng tăng vào dịp Tết.
– Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,32%, trong đó dịch vụ giày dép tăng 2,52%; dịch vụ may mặc tăng 1,09%; may mặc khác tăng 0,45%; giày dép tăng 0,39%.
Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng giảm giá:
– Nhóm giáo dục giảm 0,83% so với tháng 12/2023 do thực hiện Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ, một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
– Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,23% do một số mặt hàng điện thoại thông minh mẫu cũ giảm giá.
III. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG QUÝ I NĂM 2024
Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023.
1. Yếu tố làm tăng CPI quý I năm 2024 so với cùng kỳ năm trước
– Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Lễ ông Công, ông Táo và Tết Nguyên đán tăng cao làm cho chỉ số giá gạo quý I/2024 tăng 21,71% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,55 điểm phần trăm.
– Chỉ số giá nhóm nước sinh hoạt tăng 10,58% do nhu cầu sử dụng nước tăng, đồng thời một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng giá nước theo quyết định của Ủy ban nhân dân, tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm.
– Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 9,38% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 04/5/2023 và ngày 09/11/2023, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, góp phần làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.
– Chỉ số giá nhóm giáo dục quý I tăng 9,02% so với cùng kỳ năm trước, do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,56 điểm phần trăm.
– Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,51%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
– Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,4% do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng, làm CPI chung tăng 1,02 điểm phần trăm.
– Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,35%, góp phần làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm.
2. Yếu tố làm giảm CPI trong quý I năm 2024 so với cùng kỳ năm trước
Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông quý I năm 2024 giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đã được tung ra thị trường một thời gian.
IV. LẠM PHÁT CƠ BẢN
Lạm phát cơ bản[3] tháng 3/2024 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
[1] Chỉ số giá điện, nước sinh hoạt tháng 3/2024 phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác do được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng 02/2024.
[2] Chỉ số giá dịch vụ giáo dục tháng 3/2024 của Vĩnh Phúc giảm 30,77% so với tháng trước.
[3] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.