Chi tiết hướng kết nối mới rút ngắn khoảng cách từ Bình Dương tới sân bay Long Thành
Ngoài hướng Vành đai 3 TP. HCM - cao tốc TP. HCM - Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, hướng tuyến này sẽ giúp kết nối “thủ phủ công nghiệp” Bình Dương tới sân bay lớn nhất cả nước.
Dự án Vành đai 4 TP. HCM, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, có tổng chiều dài khoảng 45,54km, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, tuyến Vành đai 4 đi qua tỉnh Đồng Nai sẽ chạy song song với Quốc lộ 51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đặc biệt qua khu vực sân bay Long Thành. Đây là tuyến giao thông chiến lược, kết nối tỉnh Bình Dương với sân bay lớn nhất Việt Nam - sân bay Long Thành, bên cạnh các trục giao thông hiện hữu như Vành đai 3 TP. HCM, cao tốc TP. HCM - Long Thành, và cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Sơ đồ hướng tuyến Vành đai 4 TP. HCM. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM |
Với tuyến Vành đai 4, các phương tiện từ khu vực Tây Nguyên khi đến Bình Dương sẽ tiếp cận sân bay Long Thành thuận lợi hơn mà không cần phải đi qua các tuyến đường nội bộ hay cao tốc khác. Tuyến đường cũng hỗ trợ phân luồng giao thông, giúp các dòng xe từ Lâm Đồng và các tỉnh miền Trung di chuyển về sân bay Long Thành một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Để giảm tải cho khu vực phía Nam sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã đề xuất xây dựng tuyến đường ĐT. 769E nhằm hạn chế áp lực giao thông lên các tuyến kết nối như cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, và Quốc lộ 51. Tuyến đường này sẽ trùng với hướng tuyến của Quốc lộ 20B, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai và kết nối giao thông liên vùng.
>> Toàn cảnh tuyến đường 10 làn xe trùng với dự án Vành đai 4 tại Bình Dương
Vành đai 4 TP. HCM có ý nghĩa quan trọng với vùng. Ảnh minh họa |
Dự án Vành đai 4 TP. HCM có tổng chiều dài gần 207km, đi qua 5 tỉnh, thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP. HCM. Đây là dự án trọng điểm, được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Chính phủ giao UBND TP. HCM làm cơ quan đầu mối có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể, dựa trên các báo cáo thành phần do từng địa phương lập. Sau khi tổng hợp, báo cáo sẽ được trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Tuyến đường Vành đai 4 TP. HCM không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực giao thông cho các tuyến cao tốc hiện hữu mà còn thúc đẩy kết nối kinh tế - xã hội giữa các tỉnh trong khu vực.
>> Hà Nội thu hồi đất của khoảng 300 hộ dân phục vụ nâng cấp tuyến đường nối đến khu vực Tây Bắc