Xã hội

Chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hy sinh khi mới 22 tuổi, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND

Hải Châu 07/05/2025 08:44

Anh là người dân tộc Tày, sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng.

Sinh năm 1931 tại xóm Bản Buống, xã Triệu Ẩu, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng (nay là xã mang tên anh), anh hùng Bế Văn Đàn lớn lên trong một gia đình dân tộc Tày nghèo khó, thấm đẫm truyền thống cách mạng. Cha anh là công nhân mỏ, mẹ mất sớm, để lại anh đối mặt với cuộc sống thiếu thốn ngay từ tuổi thơ. Trưởng thành giữa nỗi đau mất nước, chàng trai trẻ sớm ý thức về trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hy sinh khi mới 22 tuổi, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND - ảnh 1
Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn. Ảnh tư liệu

Sau chiến thắng vang dội của chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, quân dân Cao Bằng sục sôi khí thế, sẵn sàng bước vào những trận đánh mới. Trong bối cảnh đó, tháng 1/1949, Bế Văn Đàn quyết định gia nhập quân đội với khát vọng được chiến đấu vì độc lập dân tộc. Anh trở thành chiến sĩ thuộc Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, một đơn vị chủ lực thuộc Bộ Quốc phòng.

Giai đoạn từ năm 1949 đến 1953, anh không ngừng xông pha, góp mặt trong nhiều chiến dịch lớn, thể hiện tinh thần dũng cảm, không lùi bước trước gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Người anh hùng trẻ tuổi hy sinh thân mình làm giá súng

Trước âm mưu mới của thực dân Pháp sau những thất bại liên tiếp, đặc biệt là sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, kế hoạch Navarre ra đời nhằm cứu vãn tình thế. Sáu tiểu đoàn viễn chinh được điều động đến Điện Biên Phủ, nơi được xây dựng thành pháo đài vững chắc bậc nhất Đông Dương. Nhằm đập tan ý đồ đó, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 với mục tiêu tiêu diệt cụm cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng Tây Bắc. Bế Văn Đàn cùng đồng đội đã hành quân lên Tây Bắc, bước vào một trận đánh lịch sử.

Chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hy sinh khi mới 22 tuổi, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND - ảnh 2
Tranh vẽ “Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trong trận chiến đấu ở Mường Pồn”. Ảnh tư liệu

Anh được phân công làm liên lạc viên cho một đại đội tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, nơi địch siết chặt vòng vây. Trong bối cảnh bị bao vây gắt gao, địch liên tục phản kích nhằm phá vỡ thế trận, mở đường rút lui. Trận đánh diễn ra căng thẳng, dữ dội, thử thách ý chí và sức mạnh của các chiến sĩ ta.

Nhằm giữ vững vòng vây, mệnh lệnh từ cấp trên truyền xuống yêu cầu kiên quyết giữ Mường Pồn bằng mọi giá, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực tiến công theo kế hoạch đã định. Lệnh chiến đấu không chỉ được truyền đạt gấp mà còn phải tiếp thêm tinh thần cho từng cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến lửa. Hiểu rõ vai trò của mình, vừa trở về đơn vị sau chuyến công tác, Bế Văn Đàn lập tức xung phong nhận nhiệm vụ.

Vượt qua làn mưa bom bão đạn, anh nhanh chóng tiếp cận đơn vị chiến đấu, truyền đạt chính xác mệnh lệnh cấp trên, giúp cả đại đội nắm rõ tình hình và nhiệm vụ. Khi trận chiến trở nên khốc liệt hơn, quân số liên tục hao hụt, anh nhận lệnh ở lại sát cánh cùng đồng đội. Sau hai đợt phản kích thất bại, địch tiếp tục mở đợt phản công thứ ba với cường độ cao, quyết liệt phá vòng vây. Trong trận chiến sống còn ấy, đơn vị chỉ còn lại 17 tay súng. Dù đã bị thương, Bế Văn Đàn vẫn kiên cường bám trụ trận địa.

Chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hy sinh khi mới 22 tuổi, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND - ảnh 3
Mô hình anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng tại Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ

Giữa lúc khẩu trung liên không thể phát huy hỏa lực do địa hình phức tạp, đồng chí Chu Văn Pù không thể kê súng bắn được vì bị che khuất tầm nhìn. Trong hoàn cảnh đó, Bế Văn Đàn bất ngờ lao đến, quỳ xuống, lấy vai mình làm giá súng, giữ chặt thân súng bằng hai chân và hô lớn để đồng đội khai hỏa. Hành động quả cảm này khiến cả đơn vị sửng sốt, đồng chí Pù thoáng chần chừ thì nghe tiếng hô vang dội: “Kẻ thù đang trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi!”. Trong nước mắt và đau xót, đồng chí Pù siết cò, đẩy lùi đợt phản kích của địch, tiêu diệt hàng chục tên xâm lược.

Tên tuổi còn mãi

Trận địa được giữ vững, song người anh hùng trẻ tuổi đã trúng đạn nặng nơi ngực, hy sinh anh dũng khi vẫn còn giữ chắc khẩu trung liên trên vai, đầu súng vẫn chĩa về phía quân thù. Anh ra đi ở tuổi 22, để lại một hình ảnh bất tử, lấy thân mình làm giá súng. Hành động ấy trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu quên mình, lý tưởng cách mạng cao cả và lòng yêu nước vô hạn.

Chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hy sinh khi mới 22 tuổi, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND - ảnh 4
Trường THPT Bế Văn Đàn ở TP Cao Bằng. Ảnh: Báo Cao Bằng

Tấm gương anh hùng của Bế Văn Đàn được toàn quân và cả nước tri ân sâu sắc. Ngay tại đại hội mừng công của đơn vị, anh được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và bình chọn là Chiến sĩ thi đua tiêu biểu của Tiểu đoàn.

Ngày 31/8/1955, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng Huân chương Quân công hạng Nhì. Đến tháng 5/1959, hài cốt của anh được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, tỉnh Điện Biên, nơi yên nghỉ của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hy sinh khi mới 22 tuổi, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND - ảnh 5
Phố Bế Văn Đàn ở TP Cao Bằng. Ảnh: Báo Cao Bằng

Anh hùng Bế Văn Đàn đã chiến đấu và hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tên tuổi của anh đã được vinh danh trên nhiều tuyến đường, trường học, công trình khắp cả nước. Di tích Mường Pồn, nơi anh hy sinh, ngày nay trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi các thế hệ học sinh, thanh niên và nhân dân tìm về để tri ân, học tập tinh thần yêu nước và lòng quả cảm của một anh hùng bất tử.

>> Huyền thoại Anh hùng phi công 7 lần bắn rơi máy bay Mỹ, từng hội ngộ Bác Hồ sau khi lập kỳ tích

Nữ Anh hùng LLVTND đầu tiên của quân đội Việt Nam: Từng tay không bắt quan Pháp, được Bác Hồ tặng khẩu súng lục

Người lính quyết ‘chặt đứt tay’ để phá đồn địch, cuộc sống đời thường bình dị: Là Anh hùng LLVTND được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp động viên chiến đấu

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/chien-si-lay-than-minh-lam-gia-sung-gop-phan-lam-nen-chien-thang-dien-bien-phu-hy-sinh-khi-moi-22-tuoi-duoc-truy-tang-danh-hieu-anh-hung-llvtnd-140427.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hy sinh khi mới 22 tuổi, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND
    POWERED BY ONECMS & INTECH