Thường trực Chính phủ vừa chỉ đạo chưa đưa game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Động thái này của Chính phủ đã giải tỏa lo lắng cho các doanh nghiệp game Việt Nam lâu nay.
Ngày 24/7/2023, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật. Theo thông báo này, trước mắt chưa đưa kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thường trực Chính phủ giao các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các công cụ pháp lý, như cấp phép, sử dụng mã định danh cá nhân người dùng để kiểm soát mặt hạn chế của game online.
Trước đó, Bộ Tài chính đề nghị đưa game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng gây tác hại đến sức khỏe, xã hội.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm ký công văn gửi Bộ Tài chính về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, Bộ TT&TT đề nghị tại thời điểm hiện nay chưa nên bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Lý do là theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì doanh thu game không phép do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam năm 2021-2022 chiếm khoảng gần 30% tổng doanh thu của toàn ngành game, nhưng không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào. Trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ áp dụng và thu được từ các doanh nghiệp trong nước, mà không thể áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online sẽ làm giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam; làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Công văn của Bộ TT&TT khẳng định, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online sẽ khiến cho các doanh nghiệp trong nước có xu hướng dịch chuyển thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài như Singapore, rồi cung cấp dịch vụ game online xuyên biên giới vào Việt Nam để tránh thuế cao. Như vậy, ngân sách sẽ thất thu một khoản thuế lớn từ ngành công nghiệp không khói này. Vì vậy, mục tiêu xây dựng chính sách nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước là không khả thi.
Mặt khác, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp game trong nước tăng cường đầu tư phát triển, trong khi đây là một trong số ít những ngành nghề của nước ta có tiềm năng lớn để phát triển, vươn tầm thế giới.
Nghiên cứu kinh nghiệm của một số các quốc gia có ngành công nghiệp game phát triển thuộc top đầu trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay một số nước châu Âu cho thấy, chính phủ các nước này đều có chính sách ưu tiên, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp game của nước sở tại phát triển, trong đó có chính sách thuế ưu đãi. Các nước này không áp dụng chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành công nghiệp game.
Ở góc độ đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: “Nhiều năm qua, doanh nghiệp phát triển game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu, và dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà. Thực tế theo thống kê của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) thì có không đến 20 doanh nghiệp game Việt Nam đang còn hoạt động thường xuyên trên tổng số hơn 200 doanh nghiệp đã đăng ký. Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp Việt rời bỏ thị trường thì cũng có nhiều doanh nghiệp phải đang dần bán mình cho các công ty nước ngoài”.
'Game thoái vốn' Nhà nước đẩy cổ phiếu thép kịch trần 10 phiên, dư địa tăng tới đâu?
Chuẩn bị cho kịch bản nâng hạng trong năm 2025, nhiều công ty chứng khoán khởi động ‘game’ tăng vốn