Chính phủ gỡ khó cho Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1) và loạt doanh nghiệp VLXD
Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã HT1) là doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án sân bay Long Thành và loạt dự án đầu tư công trọng điểm khu vực phía Nam. Tuy nhiên, kể từ mức đỉnh lãi năm 2019, HT1 đã xác lập chuỗi tăng trưởng lợi nhuận âm 4 năm liên tiếp.
Sáng 15/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP) |
Theo báo cáo, sản phẩm xi măng trong nước ghi nhận tiêu thụ chậm do đầu tư xây dựng trong nước giảm sút, thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, chí phí vận tải tăng cao… Hoạt động xuất khẩu sụt giảm do lượng clinke sụt giảm, gặp cạnh tranh gay gắt về giá bán sản phẩm từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Mặt khác, chi phí cước vận tải biển tăng cao, cộng với các quy định về hàng rào kỹ thuật tại phần lớn thị trường xuất khẩu.
Tình hình tài chính của ngành gặp khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (đặc biệt các doanh nghiệp xi măng) đầu tư vốn rất lớn vào dự án sản xuất; giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các doanh nghiệp phải trả nợ vốn vay, cộng với lãi vay cao, dẫn đến áp lực trả nợ cả gốc và lãi rất lớn.
>> KQKD nhóm xây dựng hạ tầng quý I/2024: Trợ lực từ đầu tư công, doanh nghiệp báo lãi tăng gấp 37 lần
Do tiêu thụ sản phẩm chậm trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất sản phẩm, dẫn đến dòng tiền tài chính để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn. Nhiều nhà máy vật liệu xây dựng, đặc biệt là nhóm xi măng sản xuất không hiệu quả, thua lỗ, dẫn đến nợ xấu.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng.
Cứu cánh cho Xi măng Vicem Hà Tiên
Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã HT1 - HoSE) được đánh giá là doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án sân bay Long Thành và loạt dự án đầu tư công trọng điểm khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, kể từ mức đỉnh lãi 741 tỷ đồng năm 2019, HT1 đã xác lập chuỗi tăng trưởng lợi nhuận âm 4 năm liên tiếp. Thậm chí, mức lợi nhuận năm 2023 'bốc hơi' tới 93%; phần lợi nhuận thặng dư không đủ chia cổ tức.
Tại báo cáo tài chính năm gần nhất, HT1 ghi nhận kết quả kinh doanh làm buồn cổ đông. Dù ghi nhận doanh thu thuần 7.050 tỷ đồng song lợi nhuận năm 2023 chỉ vọn vẻn 17,2 tỷ. Kết quả này lần lượt giảm 21% và 93,4% so với năm 2022. Theo đó, công ty đã thực hiện bất thành cam kết với cổ đông trong việc thực hiện kế hoạch kinh doanh đã đề ra (8.987 tỷ đồng doanh thu và 276 tỷ đồng lãi sau thuế).
Năm 2023, biên lãi ròng của HT1 "mỏng như lá lúa" chỉ 0,0024% trong khi năm 2022 đạt 2,9%.
Sang năm 2024, Xi măng Vicem Hà Tiên đặt mục tiêu 7.032 tỷ đồng doanh thu và 23,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết t húc quý I, công ty lần lượt ghi nhận 1.495 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 24,7 tỷ đồng.
Thời điểm cuối tháng 3, doanh nghiệp xi măng Top đầu khu vực phía Nam ghi nhận tổng nợ phải trả hơn 3.500 tỷ đồng trong đó gần 1.600 tỷ đồng là vay nợ tài chính ngắn hạn. Việc được tạo điều kiện đối với các chính sách về thuế, lãi suất, giãn nợ... đucợ kỳ vọng có thể giúp HT1 nói chung và nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng sớm phục hồi sản xuất trong thời gian tới.
Diễn biến cổ phiếu HT1 |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HT1 kể phiên 14/6 tăng trần lên mức 12.750 đồng/cp bất chấp thị trường chứng khoán giảm mạnh gần 22 điểm. Phiên này, hơn 1,9 triệu cổ phiếu HT1 đã được sang tay - mức cao nhất kể từ giữa tháng 8/2023.