Hiện nay, có rất nhiều dự án bất động sản đang gặp khó trên toàn quốc vì nhiều lý do khác nhau. Riêng tại TP.HCM còn khoảng 116 dự án bất động sản gặp vướng đang chờ được tháo gỡ.
Trong bối cảnh này, người dân kỳ vọng vào sự giải quyết công tâm, minh bạch, khách quan của các cấp thẩm quyền, giúp giải phóng nguồn lực lớn đang đóng băng, làm ấm lại thị trường để dòng tiền dịch chuyển, qua đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Mới đây, báo Chính phủ đã công bố 3 nút thắt quan trọng, cần được ưu tiên tháo gỡ của thị trường địa ốc:
Thứ nhất, việc điều chỉnh, thay đổi quy hoạch trong thời gian đầu tư giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025, đã phát sinh rủi ro và gây thiệt hại cả tài chính lẫn niềm tin cho người dân. kéo theo đó là thiệt hại cho cả thị trường khi các giao dịch gần như đóng băng, dòng thu ngân sách từ thị trường này cũng bị hạn chế.
Điều này thấy rõ ở các quy hoạch và các quyết định thiếu tính nhất quán giữa các giai đoạn khi điều chỉnh quy hoạch tại một số địa phương. Có thể dẫn chứng một dự án tại TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) của một chủ đầu tư ở TP.HCM, đột ngột chuyển đổi từ mục đích sử dụng đất ở lâu dài thành đất thương mại dịch vụ, giới hạn thời gian sử dụng tính đến nay chỉ còn chưa đến 40 năm và đây là thời gian rất ngắn cho bất cứ nhu cầu xây dựng phát triển nào. Nút thắt quy hoạch này tuy ở địa phương nhưng tháo gỡ cần có vai trò của sự độc lập và thẩm quyền quyết định ở cấp Trung ương.
Thứ hai tập trung ở việc điều chỉnh giá đất xác định để tính các nghĩa vụ thuế liên quan giữa các giai đoạn chưa đạt được chữ "thuận" giữa yếu tố quản lý với yếu tố thị trường. Điều này kéo theo hệ lụy phát sinh nhiều vấn đề hiện nay như trì hoãn nộp thuế, khiếu nại kéo dài, không hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…, khiến thị trường rơi vào trạng thái khó thanh khoản, khó đầu tư phát triển. Có thể kể tển rất nhiều dự án bất động sản chịu ảnh hưởng vì điều này.
Thứ ba, nút thắt bao trùm chính là việc tổ chức thực thi pháp luật của địa phương còn lúng túng trong bối cảnh quy hoạch và chính sách chưa đồng bộ, thống nhất và biến động trong thời gian đầu tư. Vấn đề này phát sinh chi phí và phát sinh rủi ro cho người dân, cho chủ đầu tư, cho ngân hàng và cả các cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương… Vì vậy, vấn đề này rất cần được hướng dẫn để tháo gỡ.
Với những chỉ đạo, điều hành hết sức mạnh mẽ và kịp thời của Chính phủ, giải quyết trực tiếp các vướng mắc về thể chế, chính sách, các địa phương đã có những bước tiến quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tinh thần quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả tích cực cho thị trường bất động sản nói riêng và cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Chính phủ Mỹ đòi Google bán 'gà đẻ trứng vàng' Chrome
CNN: Ông Trump có thể yêu cầu bỏ chế độ làm việc từ xa để cắt giảm chi phí