Công viên và quảng trường kế bên dòng sông biểu tượng của thành phố giàu nhất Việt Nam: Thiết kế đẹp mắt, như hệ sinh thái mở
Tập đoàn THACO đề xuất đầu tư tổ hợp quảng trường trung tâm, công viên bờ sông và lâm viên sinh thái rộng hơn 177ha tại Thủ Thiêm. Dự án kỳ vọng góp phần hoàn thiện diện mạo đô thị xanh, hiện đại cho thành phố.
Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa qua đã có văn bản gửi UBND TP. HCM, đề xuất nghiên cứu và triển khai tổ hợp dự án hạ tầng xanh quy mô hơn 177ha tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đề xuất này bao gồm quảng trường trung tâm, công viên bờ sông và khu lâm viên sinh thái thuộc vùng châu thổ phía Nam Thủ Thiêm.
Cụ thể, khu quảng trường và công viên bờ sông có diện tích hơn 27ha, trong đó phần quảng trường chiếm khoảng 21ha. Khu lâm viên sinh thái rộng khoảng 150,2ha, đóng vai trò như lá phổi xanh cho toàn bộ khu vực.

Theo quy hoạch, quảng trường trung tâm được định hướng trở thành quảng trường lớn nhất cả nước, kết nối trực tiếp với công viên bờ sông Sài Gòn, hình thành không gian công cộng gần 30ha ven sông. Đây cũng sẽ là điểm kết nối quan trọng với trung tâm Quận 1 thông qua cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, xuất phát từ công trường Mê Linh.

Theo báo VNExpress, dự án này được thiết kế bởi Văn phòng Kiến trúc và Quy hoạch đô thị Pháp DE-SO Asia – đơn vị từng đoạt giải quốc tế về thiết kế không gian công cộng Thủ Thiêm năm 2008. Dự án hướng tới xây dựng một bản sắc đô thị mới cho TP. HCM. Quảng trường không chỉ là nơi tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa – chính trị mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng với kiến trúc mở, giàu yếu tố bản địa.
Theo thiết kế, không gian ven sông sẽ được bảo tồn tối đa thảm thực vật tự nhiên, tránh bê tông hóa. Cây xanh bản địa cùng hệ thống công trình mang hình dáng lá sen - biểu tượng văn hóa Việt sẽ là điểm nhấn chủ đạo. Lớp nền lát gạch cam gợi nhớ hình ảnh mái ngói và sân nhà truyền thống miền Nam.

Toàn bộ hệ thống thu gom nước mưa trong khu Thủ Thiêm sẽ được dẫn về công viên trung tâm để xử lý, tái sử dụng và bốc hơi, góp phần điều hòa vi khí hậu, giảm áp lực cho hệ thống thoát nước đô thị.
Bên cạnh chức năng cảnh quan, công viên còn tích hợp không gian giáo dục sinh thái với các khu vườn thực vật, nơi tổ chức hoạt động học tập ngoài trời về đa dạng sinh học và thích ứng biến đổi khí hậu.
THACO khẳng định, việc đầu tư các không gian công cộng quy mô lớn như quảng trường và lâm viên sinh thái không chỉ cải thiện chất lượng môi trường sống mà còn thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đô thị xanh, nâng cao giá trị cảnh quan và tạo động lực cho đầu tư, du lịch, giao lưu văn hóa - xã hội tại Thủ Thiêm nói riêng và TP. HCM nói chung.

Với tiềm lực tài chính mạnh, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và sự am hiểu sâu sắc về Thủ Thiêm qua quá trình thực hiện nhiều dự án lớn như 4 tuyến đường chính Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2 và khu đô thị Sala, THACO tự tin đủ năng lực triển khai đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn cao.
Hiện tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn bộ Khu đô thị mới Thủ Thiêm ước khoảng 35.750 tỷ đồng, trong đó 15 dự án hạ tầng kỹ thuật cần hơn 9.300 tỷ đồng. Dù vậy, tiến độ triển khai tại đây vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là về hạ tầng kỹ thuật. Việc xã hội hóa các dự án lớn như đề xuất của THACO được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ phát triển Thủ Thiêm, hướng tới mục tiêu hoàn thành trước năm 2030 theo Nghị quyết 26/2020 của Thành ủy TP. HCM.
TP. HCM là thành phố giàu nhất Việt Nam nhờ vai trò trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại hàng đầu cả nước. Năm 2024, GRDP đạt 1,78 triệu tỷ đồng, cao nhất toàn quốc, với mức tăng trưởng 7,17%. Thành phố sở hữu hạ tầng hiện đại, thu hút mạnh dòng vốn đầu tư và có hệ sinh thái doanh nghiệp sôi động.
Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, vai trò "đầu tàu kinh tế" của thành phố tiếp tục được củng cố khi quy mô của TP. HCM mới chiếm đến 1/4 GDP của cả nước.
Ảnh: DE-SO Asia
>> Việt Nam dự kiến có quảng trường lớn nhất cả nước nằm cạnh dòng sông biểu tượng của TP. HCM