Chính quyền hai cấp: Chế độ công vụ sẽ thống nhất từ trung ương xuống cấp xã
Bộ Nội vụ cho biết, khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, sẽ thực hiện chế độ công vụ, công chức thống nhất từ Trung ương đến cấp xã, không có sự phân biệt cán bộ công chức trung ương, cấp tỉnh với cán bộ, công chức cấp xã như hiện nay.
Đề xuất các quy định chuyển tiếp
Chiều 6/4, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, phóng viên đặt câu hỏi với Bộ Nội vụ về việc bỏ cấp huyện và giảm cấp xã tới đây, mô hình quản lý vận hành sẽ ra sao để bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp không gặp khó khăn khi làm các thủ tục hành chính? Chế độ, chính sách với những người ảnh hưởng như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ cấp huyện, sắp xếp cấp tỉnh và cấp xã), Bộ Nội vụ đang được giao tham mưu xây dựng đề án, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà tại họp báo. Ảnh: PV |
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng được giao xây dựng dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn có liên quan để thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp.
Trong đó, bà Hà cho biết, đã đề xuất các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng: Sau khi giải thể cấp huyện, chính quyền địa phương cấp xã ngoài việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình hiện nay, sẽ đảm nhận thêm các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện.
Theo đó, chính quyền địa phương cấp xã sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn, tổ chức bộ máy và chế độ công chức, công vụ cũng được đổi mới bảo đảm đáp ứng yêu cầu mới.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nội vụ cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn (các thủ tục hành chính trước đây thực hiện ở cấp huyện sẽ do cấp xã trực tiếp thực hiện).
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đề xuất các quy định chuyển tiếp để việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã mới (sau khi giải thể cấp huyện) bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Bảo lưu lương, phụ cấp chức vụ
Bà Hà khẳng định, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, vấn đề thực hiện chế độ, chính sách đối với những người bị ảnh hưởng rất được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Theo đó, đối với các chế độ, chính sách đặc thù áp dụng đối với người dân trên địa bàn vẫn giữ nguyên như trước khi sắp xếp; đối với đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động thì có 4 chế độ, chính sách cụ thể.
Trong đó sẽ thực hiện chế độ công vụ, công chức thống nhất từ trung ương đến cấp xã. Theo phương án này, không có sự phân biệt cán bộ công chức trung ương, cấp tỉnh với cán bộ, công chức cấp xã như hiện nay.
Đồng thời tiến hành rà soát, sàng lọc để bố trí những người đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, năng lực chuyên môn tiếp tục công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cùng với đó, sẽ có các chính sách bảo lưu lương, phụ cấp chức vụ đối với những người bố trí vị trí chức vụ thấp hơn hoặc không giữ chức vụ trong khoảng thời gian nhất định.
Đối với các trường hợp có nguyện vọng nghỉ sớm hoặc tinh giảm do không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vị trí công tác, Thứ trưởng Hà nói, sẽ có các chế độ, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các trường hợp này nghỉ việc hưởng chế độ.
Các trường hợp này sẽ áp dụng theo Nghị định số 178 và Nghị định số 67 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
>>Chính quyền hai cấp: Thẩm quyền của cấp huyện hiện nay ai làm?