Vĩ mô

Chính sách thuế - công cụ 'mặc cả' lợi ích kinh tế thời Trump 2.0: Việt Nam ứng phó ra sao?

Quốc Trung 04/02/2025 12:01

Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong chính sách thuế của tân Tổng thống Donald Trump, khi thặng dư thương mại với Mỹ năm 2024 đạt 106 tỷ USD – mức cao kỷ lục, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại.

untitled-1.jpg

Từ lâu, ông Donald Trump đã quá nổi tiếng với những tuyên bố và chính sách có phần khác lạ khi đắc cử lần đầu tiên vào năm 2016. Ở lần tái đắc cử trong nhiệm kỳ này, rất nhiều thị trường tài chính và giới đầu tư đều xác nhận về sự khó đoán định trong các chính sách từ chính quyền mới của Tổng thống Trump. Điển hình là "cú tàu lượn" của thị trường tiền kỹ thuật số, đồng USD, lợi suất trái phiếu Chính phủ, hay sự biến động của các tài sản rủi ro theo những dòng trạng thái của ông Trump.

Tuy nhiên, lần này, thị trường sẽ không còn bị bất ngờ và phản ứng thái quá trước những hành động của ông Trump, do đã quen với biến động và hiểu tính cách thất thường của người đứng đầu Nhà Trắng. Đồng thời, bản thân ông Trump cũng đã ít nhiều có kinh nghiệm trong việc điều hành, cụ thể là việc áp dụng “forward guidance” từ chính sách tiền tệ – cung cấp thông tin cho công chúng về hướng đi trong tương lai của chính sách.

Sự bất định nhưng không bất ngờ từ các chính sách thời Trump 2.0

Ngày 1/2/2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức tuyên bố áp thuế 25% lên hàng hóa của Mexico và Canada, 10% lên hàng hóa của Trung Quốc mà không có ngoại lệ nào “cho đến khi khủng hoảng lắng xuống”. Trước đó, ông Trump đã đề cập đến cuộc khủng hoảng về chất gây nghiện fentanyl và tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Nhà Trắng cũng không cung cấp bất kỳ thông tin nào về những điều kiện mà ba nước này cần phải đáp ứng để tránh bị áp thuế.

Theo cơ quan thống kê Canada, năm qua, nước này đã xuất khẩu 410 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, chiếm gần 80% tổng lượng xuất khẩu. Trong khi đó, theo Viện Thống kê Quốc gia Mexico, 84% lượng hàng xuất khẩu năm qua là sang Mỹ, với tổng giá trị 510 tỷ USD. Những con số này cho thấy Mỹ là một thị trường quá quan trọng đối với cả hai quốc gia trên, và Washington hoàn toàn có sức mạnh trên bàn đàm phán để đưa ra các đòi hỏi lớn hơn.

Chính sách thuế - công cụ 'mặc cả' lợi ích kinh tế thời Trump 2.0: Việt Nam ứng phó ra sao?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại một sự kiện

Mới đây, ông Trump đã có những dòng trạng thái nhắc lại với EU rằng việc áp thuế “chắc chắn sẽ xảy ra” khi xét đến mức thâm hụt thương mại lớn với khối này. Tuy nhiên, Trump cũng tạm thời bỏ qua Vương quốc Anh với lập luận rằng, dù quan hệ thương mại đang “lệch lạc” nhưng “có thể giải quyết được”.

Có thể thấy, việc ông Trump sử dụng thuế quan như một công cụ mặc cả đã quá rõ ràng nhằm buộc các quốc gia phải nhượng bộ để giữ lại các lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, mỗi nước lại có một cách ứng xử khác nhau với chính sách thuế quan của Mỹ.

Canada đã chọn cách đối đầu trực tiếp khi Thủ tướng Justin Trudeau lập tức công bố mức thuế trả đũa 25% đối với 155 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ottawa cũng xem xét một số “biện pháp phi thuế quan” như hạn chế xuất khẩu khoáng sản quan trọng và năng lượng. Tuy nhiên, ngay sau đó, Canada cũng phải nhượng bộ khi cam kết thành lập một cơ quan đặc biệt để chống buôn lậu fentanyl và tăng cường giám sát biên giới. Nhờ đó, ông Trump đã hoãn áp thuế lên hàng hóa nước láng giềng phía Bắc trong 30 ngày.

Mexico tỏ ra mềm mỏng hơn khi Tổng thống Claudia Sheinbaum cam kết điều động ngay 10.000 binh sĩ tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn chặn nạn buôn người, buôn lậu ma túy và vũ khí. Đáp lại, ông Trump quyết định hoãn việc áp thuế 25% lên hàng hóa Mexico trong vòng một tháng và tổ chức các cuộc đàm phán với các quan chức cấp cao hai nước.

Trung Quốc, ngược lại, đã có sự chuẩn bị từ trước và không bị bất ngờ khi ông Trump lên nắm quyền. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tính đến tháng 11/2024, chỉ 14,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đến Mỹ, giảm mạnh so với thời điểm gia nhập WTO năm 2001. Bắc Kinh đã chủ động thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đầu tư vào các thị trường xuất khẩu thay thế và xây dựng hệ sinh thái sản xuất hoàn chỉnh bên ngoài lãnh thổ, nhằm giảm thiểu tác động từ các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ.

Chính sách thuế - công cụ 'mặc cả' lợi ích kinh tế thời Trump 2.0: Việt Nam ứng phó ra sao?

Việc Tổng thống Trump sử dụng thuế quan như một công cụ mặc cả đã quá rõ ràng, khiến nhiều quốc gia buộc phải nhượng bộ để giữ lại các lợi ích kinh tế.

TS Bùi Lê Minh, giảng viên Khoa Tài chính, Đại học FPT

Việt Nam - Mục tiêu tiếp theo trong chính sách thuế của Trump?

Với thặng dư thương mại 106 tỷ USD với Mỹ trong năm 2024, Việt Nam hoàn toàn có thể là mục tiêu tiếp theo trong chính sách thuế của ông Trump. Trước đó, chúng ta cũng đã sớm có những biện pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại bằng cách tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.

Năm ngoái, Boeing và Vietnam Airlines đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc mua 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX trị giá 10 tỷ USD. Trong Quy hoạch Điện VIII, điện LNG được xem là nguồn năng lượng phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, nên Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh nhập khẩu từ Mỹ, nơi đã xuất khẩu 88,9 triệu tấn LNG. Ngoài ra, Mỹ cũng đã xuất khẩu 3,1 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp sang Việt Nam, trong khi FPT đầu tư 200 triệu USD hợp tác với Nvidia để xây dựng nhà máy AI.

Hiện tại, việc ông Trump áp thuế lên Mexico, Canada, Trung Quốc và có thể là châu Âu đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Lợi thế địa lý gần Trung Quốc giúp việc vận chuyển nguyên liệu, máy móc dễ dàng hơn. Hơn nữa, Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài, có nhiều bến cảng nước sâu thuận lợi cho thương mại quốc tế, chính sách đầu tư cởi mở, cùng hàng loạt FTA đã được ký kết. Do đó, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng dịch chuyển sản xuất Trung Quốc +1 trong nhiệm kỳ trước của Trump. Tuy nhiên, việc xây dựng các kịch bản ứng phó vẫn là điều cần thiết.

Ở kịch bản tích cực, căng thẳng thương mại khiến dòng vốn đổ về Việt Nam mạnh mẽ, tương tự giai đoạn 2017-2018. Điều này giúp các mặt hàng chủ lực của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, dự trữ ngoại hối dồi dào, tăng trưởng kinh tế đạt mức hai con số như kỳ vọng của Chính phủ và chính sách tiền tệ trở nên linh hoạt hơn.

Ở kịch bản cơ sở, Việt Nam tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ để giảm thâm hụt thương mại, đồng thời đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ để xây dựng cán cân thanh toán bền vững. Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào nhưng bị phân bổ sang các nước khác như Ấn Độ, Indonesia, nơi có thị trường nội địa lớn hơn.

Ở kịch bản tiêu cực, Mỹ có thể áp thuế 20-25% lên hàng hóa Việt Nam do thặng dư thương mại quá lớn. Đồng thời, việc nhập siêu từ Trung Quốc nhưng lại thặng dư với Mỹ có thể khiến Washington nghi ngờ về hành vi chuyển giá hoặc cạnh tranh không công bằng. Nếu kịch bản này xảy ra, xuất khẩu suy giảm, dự trữ ngoại hối bị thu hẹp, đồng nội tệ mất giá và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chính sách thuế - công cụ 'mặc cả' lợi ích kinh tế thời Trump 2.0: Việt Nam ứng phó ra sao?

Với trường hợp này, Việt Nam cần làm rõ vấn đề với phía các đối tác thông qua đối thoại hoặc áp dụng công nghệ quản lý kho bãi, hàng hóa để chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

- Thứ nhất, cần phải nhìn nhận rằng nếu áp thuế lên tất các mặt hàng của tất cả các quốc gia sẽ khiến cho nền kinh tế phụ thuộc vào tiêu dùng; nhập khẩu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này có thể khiến cho lạm phát tại Mỹ tăng vọt buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn. Thương mại tự do giữa các nước đã phụ thuộc lẫn nhau, áp thuế nghĩa là 50% rau xanh, 50% xăng dầu và 70% máy móc của Mỹ sẽ tăng giá mạnh. Điều này đã được chứng minh khi số liệu PCE Price tháng 12/2024 (YoY) đã tăng trở lại 2,6% so với mức kỳ vọng 2,4% khi lạm phát trở nên dai dẳng.

- Thứ hai, dòng tiền đổ về Mỹ do tăng đầu tư và giảm thâm hụt thương mại cũng sẽ khiến đồng USD mạnh lên làm hàng hóa Mỹ mất sức cạnh tranh trên toàn cầu.

- Thứ ba, việc áp thuế có thể phản tác dụng như cách mà Trung Quốc hay Nga đã làm khi thách thức vị thế thống trị của đồng USD khiến các nước đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình.

- Cuối cùng, Chính phủ mới của tổng thống Trump đang có kế hoạch cắt giảm thuế, phát hành nợ dài hạn trong khi khối nợ công của Mỹ đã lên múc kỷ lục 35.700 tỷ USD. Nước Mỹ và ông Trump rất cần tiền để hấp thụ được hết lượng trái phiếu kỳ hạn dài phát hành mới mà không làm tăng lợi suất/chi phí đi vay của Chính phủ quá nhiều.

Từ những điều trên, có thể thấy việc ông Trump sử dụng thuế quan có thể là ngắn hạn nhằm đạt được lợi ích khi đàm phán song phương. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng điều đó!

Bài viết của TS Bùi Lê Minh, giảng viên Khoa Tài chính, Đại học FPT

>> 'Cơn bão' AI giá rẻ DeepSeek càn quét TTCK, cổ phiếu công nghệ bay màu, FPT mất 11.600 tỷ đồng vốn hóa phiên khai Xuân

Mỹ tạm dừng áp thuế với Mexico và Canada vào phút chót

Căng thẳng lên cao, Tổng thống Donald Trump kêu gọi Canada sáp nhập vào Mỹ để không bị áp thuế

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chinh-sach-thue-cong-cu-mac-ca-loi-ich-kinh-te-thoi-trump-20-viet-nam-ung-pho-ra-sao-274313.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính sách thuế - công cụ 'mặc cả' lợi ích kinh tế thời Trump 2.0: Việt Nam ứng phó ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH