Vĩ mô

Chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump: Việt Nam đứng trước những thách thức và cơ hội gì?

Khúc Văn 21/01/2025 11:41

Theo các chuyên gia, Mỹ có thể áp dụng mức thuế suất từ 10% đến 20% đối với hàng dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, tác động thực tế dự kiến sẽ không quá đáng lo ngại, bởi mức thuế này chỉ chênh lệch không đáng kể so với mức thuế hiện hành, vốn dao động từ 8% đến 25%.

Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức, bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị người đứng đầu quốc gia được mệnh danh là "cường quốc số 1 thế giới."

Đáng chú ý, ông Trump dự kiến sẽ triển khai chính sách thuế mới nhằm thực hiện mục tiêu đưa nước Mỹ trở nên hùng mạnh hơn. Chính sách này được dự báo sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng khó tránh khỏi những tác động trực tiếp và gián tiếp.

Chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump: Việt Nam đứng trước những thách thức và cơ hội gì?
Cơ hội của kinh tế Việt Nam.

Cơ hội của kinh tế Việt Nam

Bình luận về động thái này, Ths Lê Vũ Thanh Tâm, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định: Trong nhiệm kỳ thứ 2, (2024-2028), Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp mức thuế 10% trên tất cả các mặt hàng nhập khẩu để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Ngoài ra, các mức thuế cao hơn lên đến 60% có thể được áp dụng đối với một số quốc gia nhất định như Trung Quốc và Mexico, tương tự như những gì diễn ra trong nhiệm kỳ đầu của mình.

Theo bà Tâm, với việc “đánh” thuế cao, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico sẽ có giá thành đắt lên làm cho các nhà nhập khẩu Mỹ nhanh chóng tìm kiếm nguồn hàng thay thế mới. Đây được xem như là cơ hội cho các nhà sản xuất Đông Nam Á, nếu đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng của thị trường Mỹ.

“Nếu được thực thi, mức thuế này sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam”, bà Tâm nói.

Tựu chung lại, theo quan điểm của bà Tâm, các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mang lại 4 lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, nếu chúng ta biết cách khai thác những lợi thế đó.

Thứ nhất, các doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản có thể sẽ dịch chuyển thêm các công đoạn sản xuất sang Việt Nam.

Thứ hai, các tập đoàn đa quốc gia khác cũng có thể tiếp tục chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Căng thẳng từ cuộc chiến thương mại tạo thêm động lực cho các công ty lớn chuyển dịch tới các quốc gia khác.

“Trào lưu này có thể không mạnh như giai đoạn 2018-2022 với các ví dụ điển hình như Apple, Intel, Foxconn, Lego, Sumitomo Wiring Systems... nhưng vẫn là một xu hướng còn tiếp diễn”, bà Tâm nói.

Thứ ba, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm doanh nghiệp FDI được kỳ vọng vẫn có cơ hội tăng trưởng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng điện tử, công nghệ cao.

Thứ tư, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là dệt may, có thể gia tăng sức cạnh tranh khi xuất sang Mỹ.

Bà Tâm lưu ý, mặc dù Mỹ có thể áp dụng mức thuế suất từ 10% đến 20% lên hàng dệt may Việt Nam, song tác động thực tế sẽ không quá đáng ngại so với mức thuế hiện tại (8%- 25%).

Thậm chí, mức thuế 10-20% vẫn còn cạnh tranh hơn nhiều so với mức thuế 60% mà một số quốc gia khác đang phải đối mặt. Tuy nhiên, yếu tố hưởng lợi này sẽ được san đều sang một số nước mạnh về gia công khác.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng lớn

Dù vậy, bà Tâm cho rằng, các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể mang lại một số thách thức đối với kinh tế Việt Nam.

Đơn cử, Mỹ có thể sẽ áp thuế chống bán phá giá nhiều hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng lớn, đây là một rủi ro khá rõ nét.

Dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. (Ảnh minh họa)
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng lớn.

Hoặc rủi ro về tỷ giá gia tăng với xu hướng mạnh lên của USD. Những biện pháp thuế quan đối với hàng nhập khẩu và chính sách hỗ trợ tài khóa sẽ củng cố đà tăng của USD.

Bà Tâm dự báo, trong ngắn hạn, USD mạnh hơn sẽ làm tăng rủi ro giảm giá cho VND.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có chính sách đề cao USD, vì vậy trong nhiệm kỳ thứ 2 nhiều khả năng đồng USD sẽ mạnh lên.

Điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh đối với dòng vốn đầu tư “đổ” vào thị trường Việt Nam, tăng số vụ sáp nhập và mua lại (M&A), nhất là trong các ngành dịch vụ. Đồng thời, tăng khả năng phá sản doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng thất nghiệp cơ cấu, lạm phát nhập khẩu,....

Dù có thể có được một số cơ hội, nhưng rủi ro, thách thức từ chính sách thuế quan của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không nhỏ và khó lường. Vì thế, Ths Lê Vũ Thanh Tâm cho rằng các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp Việt Nam cần tỉnh táo để tận dụng được các thời cơ cuộc chiến thương mại đưa lại, đồng thời bám sát, theo dõi, phân tích và dự báo, để kịp thời đưa ra các kịch bản ứng phó khác nhau cho phù hợp.

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ quý IV/2024, diễn ra vào đầu tháng 1/2025, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương khẳng định, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Giá trị xuất siêu của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico.

Chia sẻ nhận định về những thay đổi có thể xảy ra tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam, ông Trần Thanh Hải cho biết, các chính sách ông Donald Trump sẽ áp dụng đều hướng đến mục tiêu thúc đẩy sản xuất trong nước, thu hút đầu tư và giảm thâm hụt thương mại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, ông Donald Trump chỉ sử dụng một công cụ cổ điển là thuế quan. Trên cương vị Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước đây, ông Donald Trump đã áp thuế cao với hàng hóa từ các thị trường Trung Quốc, EU…

Dự báo về tác động chính sách thuế quan của ông Donald Trump, ông Hải cho biết, trước đây chính sách thuế của Mỹ ảnh hưởng không lớn đến hàng hóa Việt Nam nhưng để ứng biến với những thay đổi khi ông Donald Trump trở lại Nhà trắng, Bộ Công thương sẵn sàng 2 kịch bản.

Ở kịch bản thứ nhất, Bộ Công thương nhận định Mỹ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng hóa Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư nước ngoài để gia tăng xuất khẩu.

Với kịch bản thứ hai, nếu Mỹ áp dụng các chính sách thuế quan gắt gao, chặt chẽ hơn sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, hàng hóa Việt Nam ít nhiều đều bị ảnh hưởng. Nhưng đối tác lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn tại thị trường này do bị áp thuế và tạo sức ép với đến Việt Nam.

“Nếu xảy ra kịch bản này, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới”, ông Hải nói.

>> Cả thế giới ‘nín thở’ chờ đợi khoảnh khắc ông Trump công khai ‘tài liệu mật’ của lịch sử nước Mỹ

Siêu dự án trung tâm thương mại ngay quận 1 TP. HCM 'đắp chiếu' 30 năm đón tin vui

Sàn thương mại điện tử bán chui, Bộ Công Thương đề xuất xử lý ra sao?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chinh-sach-thue-cua-tong-thong-donald-trump-viet-nam-dung-truoc-nhung-thach-thuc-va-co-hoi-gi-272587.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump: Việt Nam đứng trước những thách thức và cơ hội gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH