Thế giới

Chính sách thuế hơn 200 năm bị xóa bỏ, giới siêu giàu tháo chạy khỏi nước Anh

Nhật Hạ 19/07/2025 - 17:02

Oligarch (nhóm doanh nhân siêu giàu với quyền lực chính trị lớn), các nhà quản lý quỹ đầu cơ và tầng lớp giàu có tại địa phương từ lâu đã cùng tồn tại trong một thành phố nơi dòng tiền cũ và mới giao thoa. Tuy nhiên, tình hình này có thể sắp thay đổi.

Giới siêu giàu bắt đầu rời Anh sau nhiều biến cố

Chỉ ít lâu sau khi Công đảng giành thắng lợi vang dội vào mùa hè năm ngoái, Charlie Mullins – một doanh nhân người Anh gây dựng khối tài sản triệu đô từ ngành sửa ống nước – đã thu xếp hành lý rời khỏi nước Anh. “Anh không còn là nơi tốt để làm ăn nữa”, Mullins chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn ngắn khi ghé qua quốc gia mà nay ông gọi là "quê hương cũ". Hiện tại, ông chia thời gian sống giữa hai địa điểm đầy nắng: Tây Ban Nha và Dubai.

Mullins, 72 tuổi, có ngoại hình khá giống ca sĩ Rod Stewart, là một trong nhiều cá nhân nổi tiếng và siêu giàu đang cân nhắc hoặc đã quyết định rời Anh – phần lớn là do những thay đổi gần đây về chính sách thuế, theo các chuyên gia theo dõi hành vi của nhóm có giá trị tài sản lớn.

rich.jpg
Tổng giám đốc điều hành của Pimlico Plumbers, Charlie Mullins, tham dự buổi thuyết trình về chương trình của các đại biểu quốc hội mới đắc cử của đảng Reform UK tại London vào ngày 5 tháng 7 năm 2024, một ngày sau khi Anh tổ chức tổng tuyển cử. (Ảnh: Washington Post)

London không còn là thiên đường cho người giàu như trước kia

London từ lâu đã là thỏi nam châm hút giới thượng lưu toàn cầu: từ tài phiệt, lãnh đạo lưu vong, các nhà quản lý quỹ đầu cơ cho đến tầng lớp giàu có trong nước, cùng sinh sống tại một thành phố nơi dòng tiền cũ và mới giao thoa. Giới tinh hoa toàn cầu đổ về thủ đô nước Anh nhờ hệ thống pháp lý và dịch vụ chuyên nghiệp, hệ thống trường học hàng đầu, đời sống văn hóa phong phú, bất động sản cao cấp – và tất nhiên, vì tiếng Anh là ngôn ngữ kinh doanh toàn cầu.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu (một số nơi đón nhận điều này với sự thờ ơ hoặc thậm chí nhẹ nhõm) cho thấy một bộ phận cư dân siêu giàu của Anh đang chuyển tài sản và nơi cư trú sang các quốc gia như Tây Ban Nha, Ý, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – những nơi có hệ thống thuế thấp hơn, hoặc nơi người giàu có thể đóng thuế cố định để bảo vệ thu nhập toàn cầu.

Một số trường hợp rời đi đáng chú ý bao gồm Nassef Sawiris (doanh nhân người Ai Cập và đồng sở hữu câu lạc bộ bóng đá Aston Villa) người gần đây nói với Financial Times: “Tôi không biết ai trong vòng quan hệ của mình là không rời đi vào tháng 4 này, hoặc tháng 4 năm sau nếu [con cái họ] còn vướng lịch học”.

rich-2.jpg
Nassef Sawiris, chủ tịch của Aston Villa, William, Hoàng tử xứ Wales và Hoàng tử George xứ Wales theo dõi trận đấu Ngoại hạng Anh giữa Aston Villa và Nottingham Forest tại Villa Park, vào ngày 8 tháng 4 năm 2023, tại Birmingham, Anh. (Ảnh: Washington Post)

Alfie Best, nhà sáng lập công ty điều hành các khu dân cư và nghỉ dưỡng, cho biết ông đã rời Anh để đến Monaco vì gánh nặng thuế và quy định mà ông mô tả là “ngột ngạt”. “Họ đang đuổi giới nhà giàu ra ngoài bằng cửa trước”, ông nói qua điện thoại — từ boong du thuyền dài 100 foot (hơn 30m) của mình.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, thời kỳ bùng nổ tỷ phú đã chấm dứt”, Robert Watts – người phụ trách bảng xếp hạng Sunday Times Rich List, theo dõi 350 người giàu nhất nước Anh – nhận định. Watts, người đã nghiên cứu xu hướng của giới siêu giàu trong suốt một thập kỷ qua, cho biết họ không hẳn đang giận dữ, nhưng đang dần mệt mỏi. “Họ lo ngại rằng nước Anh không còn là nơi dễ dàng để khởi nghiệp, phát triển và vận hành một doanh nghiệp thành công nữa”.

Các thay đổi thuế lịch sử và cảnh báo về tác dụng ngược

Trong nỗ lực củng cố ngân sách công, chính phủ Công đảng cầm quyền gần đây đã bãi bỏ một chính sách thuế "non-domiciled tax status". Có lịch sử từ năm 1799, tức hơn 200 năm trước, chính sách này cho phép cư dân không có "nơi cư trú hợp pháp và lâu dài" tại Anh chỉ nộp thuế trên thu nhập tạo ra tại Anh, còn thu nhập từ nước ngoài thì được miễn nếu không chuyển vào Anh. Thực tế, thay đổi này được công bố từ thời chính phủ Bảo thủ trước đó, và khi Công đảng lên nắm quyền, họ tiếp tục kế thừa và chính thức bịt lại lỗ hổng thuế vào tháng Tư vừa qua.

Chính phủ do Thủ tướng Keir Starmer lãnh đạo cũng đi xa hơn khi loại bỏ luôn các ưu đãi thuế thừa kế đối với tài sản toàn cầu. Thuế thừa kế của Anh — với mức thuế suất chính thức là 40% — thuộc hàng cao nhất thế giới, mặc dù nhờ các hình thức miễn trừ khác nhau, phần lớn tài sản để lại thực tế chịu mức thuế thấp hơn nhiều.

rich-3.jpg
Thủ tướng Anh Keir Starmer rời Phố Downing ở London để tham dự Phiên chất vấn của Thủ tướng vào ngày 21 tháng 5. (Ảnh: Washington Post)

Các chính sách thuế mới được kỳ vọng sẽ mang lại 12,7 tỷ bảng Anh (17,10 tỷ USD) trong vòng năm năm tới. Chính phủ Anh cho biết khoản thu này sẽ được dùng để hỗ trợ các lĩnh vực vốn luôn trong tình trạng quá tải như trường học, bệnh viện và phòng khám nha khoa.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng thay đổi này có thể trở thành một “bàn phản lưới nhà”. Theo Viện Nghiên cứu Tài khóa (Institute for Fiscal Studies), nhóm 1% người nộp thuế có thu nhập cao nhất đang đóng góp tới 29% tổng số thuế thu nhập cá nhân tại Anh. Nếu quá nhiều người trong nhóm này rời đi, tổng thu ngân sách có thể giảm chứ không tăng.

Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (Centre for Economics and Business Research) tính toán rằng nếu 1/4 số “non-doms” (người không cư trú theo quy định thuế của Anh) rời đi, toàn bộ khoản thu tăng thêm có thể bị xóa sạch; nếu một nửa trong số họ ra đi, ngân khố có thể thất thu tới 12,2 tỷ bảng (16,43 tỷ USD) trong một nhiệm kỳ quốc hội.

Về phần mình, Charlie Mullins cho biết ông đã hoàn thành nghĩa vụ với cơ quan thuế của Anh và hiện đang cân nhắc khả năng khởi nghiệp lại trong ngành sửa ống nước tại Dubai. “Tôi đã đóng hơn 100 triệu bảng tiền thuế trong suốt 55 năm làm việc tại Anh”, ông chia sẻ. “Tôi không phản đối việc nộp thuế, nhưng với thuế lợi tức vốn, thuế thừa kế và hàng loạt thứ khác hiện nay, tôi cảm thấy họ đang trừng phạt nhầm đối tượng thay vì khuyến khích họ tiếp tục đóng góp”.

Hiện vẫn chưa có số liệu chính thức về việc bao nhiêu người non-dom đã rời khỏi Anh — đây là một trong những chỉ báo đáng tin cậy về xu hướng dịch chuyển của giới tài sản lớn. Tuy nhiên, các dấu hiệu ban đầu đã bắt đầu xuất hiện.

Bất động sản sang trọng phản ánh xu hướng mới của người giàu

Stuart Bailey, người phụ trách mảng bất động sản “siêu cao cấp” tại công ty Knight Frank, cho biết ông đã ghi nhận xu hướng gia tăng trong số lượng người bán tài sản thuộc tầng lớp giàu có sau khi các thay đổi về quy chế thuế non-dom được đề xuất — không phải một cuộc tháo chạy ồ ạt, nhưng là một xu hướng rõ rệt. Ông mô tả thị trường nhà ở trong khoảng giá 5 đến 10 triệu bảng (6,7 – 13,5 triệu USD) hiện nay là “rõ ràng thuộc về người mua”.

rich-4.jpg
Quảng trường Eaton của Belgravia còn được cư dân Nga ở London gọi là Quảng trường Đỏ vào ngày 29 tháng 1 năm 2022. (Ảnh: Washington Post)

“Có rất nhiều lựa chọn nếu bạn đang tìm một căn nhà tiêu chuẩn ở Knightsbridge hoặc Belgravia”. ông nói thêm, nhắc đến hai khu dân cư sang trọng bậc nhất London.

Song song với việc người cũ rời đi, cũng xuất hiện những người mua mới - đáng chú ý là người Mỹ. Trong năm qua, có 6.618 người Mỹ nộp đơn xin quốc tịch hoặc quyền cư trú tại Anh – con số cao kỷ lục. Riêng quý I năm nay đã có hơn 1.900 đơn, mức cao nhất từng ghi nhận cho một quý. Bailey cho biết ông đã quan sát được làn sóng người Mỹ tìm mua bất động sản cao cấp ngay từ trước khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống, “khi tỷ giá còn có lợi cho họ”.

Không phải ai cũng rời đi, nhưng rủi ro dài hạn vẫn còn đó

Clare Maurice, luật sư tại London chuyên tư vấn về thuế và tài sản cá nhân cho khách hàng toàn cầu, cho biết “một số lượng rất lớn người đã rời đi” vì lo ngại về các thay đổi thuế - đặc biệt là thuế thừa kế - và nói thêm: “Chúng ta sẽ không bao giờ biết được bao nhiêu người đã từ bỏ ý định đến Anh ngay từ đầu”.

Không phải ai cũng tiếc nuối trước sự ra đi của giới siêu giàu. Trong một bài viết có tiêu đề “Giới siêu giàu nói họ sẽ rời Anh. Tôi không thấy tiếc”, cây bút Caitlin Moran của tờ The Times chỉ ra bầu không khí “lạnh lẽo” ở một số khu nội đô London. Cô viết rằng: “Dù kèm theo cảnh báo hiện đại #khôngphảimọitỷphú, nhìn chung họ là những hàng xóm tồi”.

Arun Advani, chuyên gia kinh tế tại Đại học Warwick, gợi lại thời điểm năm 2017, khi các quy định thuế mới đã khiến 5% non-doms rời đi. Số còn lại vẫn ở lại và đóng thuế cao hơn 50%. Lần này, ông dự đoán lượng người rời đi sẽ lớn hơn. Lý do: thay đổi thuế sâu rộng hơn, và thời điểm ra đi rất quan trọng, ai rời trước hạn nhất định sẽ tránh được cải cách thuế thừa kế mới. “Nếu bạn từng cân nhắc rời đi, thì giờ là lúc nên hành động”.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng các yếu tố về lối sống có ảnh hưởng lớn. Những người có con học trường tư khó rời đi hơn so với người đã nghỉ hưu đang sở hữu biệt thự ở Tây Ban Nha. Nhìn chung, ông cho rằng tác động ròng đối với ngân sách nhà nước sẽ tích cực.

Tony Travers, chuyên gia chính trị tại Trường Kinh tế London (LSE), cho rằng cái gọi là “làn sóng tháo chạy” này phản ánh một xu thế toàn cầu: một dạng “sàng lọc” trong đó một số người siêu giàu rời khỏi các quốc gia có thuế cao, trong khi nhiều người khác vẫn thấy lợi ích ở lại lớn hơn so với các ưu đãi thuế nơi khác. “Nếu thật sự muốn, những người đang sống trong các biệt thự sang trọng ở Manhattan hay Knightsbridge đã có thể chuyển đến Bahamas từ nhiều thập kỷ trước. Nhưng họ vẫn ở lại”.

Trong khi đó, danh sách Rich List của Sunday Times đã ghi nhận sự sụt giảm tổng giá trị tài sản ròng trong ba năm liên tiếp. Danh sách năm 2025 ghi nhận 156 tỷ phú – giảm so với 165 người năm trước, mức giảm mạnh nhất trong 37 năm lịch sử của bảng xếp hạng.

Robert Watts cho biết sự suy giảm này là do nhiều yếu tố: từ các chính sách thuế được các chính phủ liên tiếp ban hành, cho đến thay đổi về lãi suất và sức hấp dẫn của các khu vực có chính sách thuế thân thiện hơn. Ông cũng chỉ ra rằng giới giàu lớn tuổi đặc biệt lo ngại về khả năng “tài sản và công ty của họ ở bên ngoài Anh sẽ bất ngờ bị đánh thuế thừa kế”. Với một số người, điều đó khiến họ cảm thấy “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời đi”.

Cuối cùng, ông cảnh báo về hệ quả dài hạn: “Nhiều người trong chúng ta có thể không thoải mái với khái niệm về một tỷ phú, nhưng tôi nghĩ các thế hệ tương lai sẽ không cảm ơn chúng ta nếu chúng ta thờ ơ trước việc những người tạo ra việc làm đang rời khỏi đất nước”.

Theo Washington Post

>> Hơn 10.000 triệu phú rời đi, loạt doanh nghiệp ‘chuyển sàn’: Chuyện gì đang xảy ra với trung tâm tài chính số 1 châu Âu?

Chính phủ Anh tung gói trợ giá 'khủng' cho người mua xe điện

‘Ông trùm’ Red Bull giàu nhất Thái Lan, khối tài sản ra sao so với tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chinh-sach-thue-hon-200-nam-bi-xoa-bo-gioi-sieu-giau-thao-chay-khoi-nuoc-anh-143729.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính sách thuế hơn 200 năm bị xóa bỏ, giới siêu giàu tháo chạy khỏi nước Anh
    POWERED BY ONECMS & INTECH