Hơn 10.000 triệu phú rời đi, loạt doanh nghiệp ‘chuyển sàn’: Chuyện gì đang xảy ra với trung tâm tài chính số 1 châu Âu?
London – viên ngọc quý trong vương miện kinh tế và văn hóa của Vương quốc Anh – đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn. Dòng vốn và nhân lực đang rời khỏi thành phố, trong khi sức hút kinh doanh dần giảm sút.
Năm 2024, khoảng 10.000 triệu phú đã rời khỏi London sau khi chính phủ Anh siết chặt chế độ thuế dành cho nhóm “non-dom” – những người siêu giàu sống tại Anh nhưng khai thuế ở nước ngoài. Ở một thái cực khác, nhiều người lao động cũng rời thành phố do chi phí sinh hoạt quá cao và xu hướng tái định nghĩa “chất lượng sống” hậu đại dịch.
London từng là trung tâm tài chính hấp dẫn, nhưng nay nhiều doanh nghiệp nội địa chọn niêm yết ở nước ngoài hoặc chuyển trụ sở chính sang các thị trường khác – làm dấy lên câu hỏi: Liệu "Thành phố Sương mù" có đang trượt dốc?

Chuyên gia thị trường Bill Blain, cựu nhân viên ngân hàng đầu tư và tác giả bản tin “Blain’s Morning Porridge”, nhận định rằng sức hấp dẫn của London đã “suy giảm trong nhiều năm”, cả về môi trường kinh doanh lẫn khả năng tiếp cận của người lao động bình dân.
“Làm ăn ở London giờ không còn dễ chịu nữa”, Blain nói. “Không còn không khí sôi động ở City hay Canary Wharf như trước đây”.
Blain cho rằng thị trường tài chính London giờ đây bị lấn át bởi các tập đoàn Mỹ, trong khi phần còn lại chỉ là những nhân viên văn phòng và giới bảo hiểm. Ông đổ lỗi cho tình trạng quá tải quy định, khiến nhân sự làm về tuân thủ và giấy tờ còn nhiều hơn cả những người trực tiếp giao dịch tài chính.
Thêm vào đó, sự thiếu ổn định chính trị – 6 Thủ tướng trong 10 năm và Brexit đầy sóng gió – đã khiến nhà đầu tư quốc tế mất lòng tin vào tính nhất quán của Anh, theo Blain. Dù Đảng Lao động giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm ngoái, chính phủ mới vẫn đang bị ràng buộc giữa cam kết giảm nợ và áp lực tăng chi tiêu để kích thích tăng trưởng.

Tuy nhiên, Barret Kupelian, kinh tế trưởng tại PwC Anh, cho rằng viễn cảnh London không hoàn toàn u ám.
“Những yếu tố cốt lõi làm nên London vẫn còn nguyên vẹn: pháp quyền, lịch sử, văn hóa, sự đa dạng, tài năng, sáng tạo, vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng,” ông Kupelian nói với CNBC. “Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp lớn vẫn chọn ở lại”.
Ông chỉ ra rằng xuất khẩu hàng hóa của Anh đang chững lại, nhưng xuất khẩu dịch vụ – đặc biệt là dịch vụ doanh nghiệp – lại tăng trưởng mạnh, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy London đang chuyển dịch từ một trung tâm tài chính thuần túy sang trung tâm dịch vụ đa dạng hơn.
Tuy nhiên, một số vấn đề nội tại vẫn tồn tại. Theo báo cáo Good Growth for Cities Index do PwC và Demos thực hiện, London dù được dự báo sẽ tăng trưởng kinh tế mạnh trong năm 2025, lại xếp sau nhiều thành phố khác tại Anh về chỉ số “đáng sống” – bao gồm thiếu nhà ở giá rẻ và hệ thống giao thông xuống cấp.
“Chúng ta thường nói London suy yếu vì so với phần còn lại của nước Anh, nhưng cần nhớ rằng London còn phải cạnh tranh với New York, Paris, Singapore, Tokyo, Bắc Kinh… Những thành phố lớn này đang gia tăng sức ép đáng kể”, Kupelian nói.

Theo Kupelian, London không cần một cuộc cách mạng, mà cần những điều chỉnh chính sách có mục tiêu. Chính quyền nên củng cố những điểm mạnh vốn có – như hệ thống pháp lý ổn định và chất lượng điều tiết – để duy trì vị thế lâu dài.
“Không có giải pháp thần kỳ nào sẽ lập tức thay đổi cục diện”, ông nói. “Nhưng nếu tinh chỉnh đúng chỗ, London hoàn toàn có thể giữ vững vị trí trung tâm kinh tế và văn hóa hàng đầu thế giới”.
Theo CNBC
>> Kinh tế Nga phát tín hiệu bất thường, cố vấn Tổng thống Putin lên tiếng cảnh báo