Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT từ 1/1/2024 đến hết 30/6/2024.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 29/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua 02 Nghị quyết và họp phiên bế mạc.
Theo đó, Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, việc giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ tiếp tục được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ loại trừ, không được áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT trong đề nghị này gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Bộ Tài chính, ước tính việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu Ngân sách Nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Giải pháp giảm thuế VAT cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Ước tính sau 3 tháng thực hiện (từ 7/2023 - 9/2023), chính sách giảm 2% thuế VAT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 11.700 tỷ đồng. Qua đó góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Việt Nam chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024
Cá mập rót tiền trở lại BSR: Đón sóng niêm yết đầu năm 2025
Nếu Mỹ áp thuế lên hàng Việt, chứng sĩ và người tiêu dùng trong nước sẽ ra sao?