Chính thức từ 1/7/2025, công chứng di chúc có thể thực hiện ngay tại nhà
Văn bản công chứng điện tử sẽ có hiệu lực pháp lý ngay từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng.
Chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng sửa đổi, mở rộng phạm vi thực hiện công chứng ngoài trụ sở, đặc biệt với trường hợp lập di chúc tại nơi ở.
Chính thức từ 1/7/2025, công chứng di chúc có thể thực hiện ngay tại nhà (Ảnh minh họa)
Theo quy định mới, công chứng viên có thể thực hiện công chứng tại nơi cư trú của người yêu cầu trong các trường hợp như: khi lập di chúc, khi người đó không thể tự đi lại do sức khỏe yếu, đang điều trị tại bệnh viện, đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang thi hành án; các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Theo Luật Công chứng 2014, chỉ có ba trường hợp được phép công chứng ngoài trụ sở, bao gồm: Người già yếu, không thể đi lại được; Người đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án; người có lý do chính đáng không thể đến trụ sở công chứng.
Cho phép công chứng điện tử
Theo Luật Công chứng sửa đổi, công chứng điện tử có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến, mang lại sự linh hoạt và thuận tiện cho người dân. Trong quá trình này, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng sẽ sử dụng chữ ký số để chứng nhận và tạo ra văn bản công chứng điện tử.
Để cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, các tổ chức hành nghề phải đáp ứng các điều kiện bao gồm: có tài khoản thực hiện giao dịch, sử dụng chữ ký số và dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Để cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, các tổ chức hành nghề phải đáp ứng các điều kiện (Ảnh minh họa)
Văn bản công chứng điện tử sẽ có hiệu lực pháp lý ngay từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, đảm bảo tính pháp lý và độ tin cậy cao trong môi trường số.
Luật Công chứng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
>> Quốc hội thông qua Luật Công chứng: Công chứng viên hành nghề đến 70 tuổi