Xã hội

Chính thức từ 24/11, ‘thành phố trong thành phố’ đầu tiên của Việt Nam được vận hành thử nghiệm phương tiện bay không người lái tốc độ 100km/h

Thùy Dung 15/11/2024 - 06:15

Phương tiện bay không người lái được kỳ vọng có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực thiết yếu như an ninh, trật tự, cứu nạn, cứu hộ, logistics...

Theo thông tin từ Báo Lao Động, sáng 14/11, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về các tiêu chí, lĩnh vực và nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát đối với giải pháp công nghệ mới tại khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn TPHCM.

Một trong những khu vực thử nghiệm là Khu Công nghệ cao TPHCM (TP Thủ Đức), nơi sẽ tiến hành thử nghiệm phương tiện bay không người lái. Các phương tiện này phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật bao gồm: sải cánh từ 400 đến 1.570mm, chiều dài từ 200 đến 1.570mm, chiều cao từ 100 đến 715mm, trọng lượng cất cánh tối đa là 70 kg và tốc độ bay không vượt quá 100km/giờ. Thời gian thử nghiệm được giới hạn từ 7h đến 17h hàng ngày.

Chính thức từ 24/11, ‘thành phố trong thành phố’ đầu tiên của Việt Nam được vận hành thử nghiệm phương tiện bay không người lái tốc độ 100km/h - ảnh 1
Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu do giảng viên và sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chế tạo, tháng 10/2023. Ảnh: Hà An

Đối với xe tự hành, khu vực thử nghiệm sẽ diễn ra tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung (Quận 12) và Khu Công nghệ cao TPHCM. Xe tự hành chỉ được phép di chuyển với tốc độ tối đa 20km/giờ và cần được trang bị hệ thống điều khiển từ xa thông minh, hiển thị đầy đủ các thông tin hành trình như chế độ di chuyển, thời gian, điện áp pin, tín hiệu vệ tinh, và tốc độ di chuyển. Xe cũng phải có thiết bị thông tin, hệ thống dẫn đường và hệ thống giám sát để đảm bảo hoạt động ổn định và an toàn trong khu vực thử nghiệm.

Các tổ chức tham gia thử nghiệm phải đáp ứng các điều kiện về nguồn lực kỹ thuật, nhân lực và tài chính nhằm bảo đảm quá trình thử nghiệm được thực hiện trong môi trường kiểm soát chặt chẽ. Các giải pháp công nghệ mới, bao gồm phương tiện bay không người lái và xe tự hành, cần được lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi, khả năng triển khai thực tiễn, đồng thời đạt hiệu quả kinh tế và kỹ thuật.

Phương tiện bay không người lái và xe tự hành được kỳ vọng có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực thiết yếu như an ninh, trật tự, cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy, chữa cháy, logistics, vận tải hành khách, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường và nghệ thuật.

Các tổ chức tham gia thử nghiệm có thể sử dụng mặt bằng, cơ sở hạ tầng phù hợp tại những khu vực đã được quy định. Việc thử nghiệm này được miễn các giấy phép thuộc thẩm quyền của Thành phố và các tổ chức có thể đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu liên quan.

Ngân sách thành phố cùng các nguồn chi hợp pháp khác sẽ được đầu tư vào việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ thử nghiệm. Các hạng mục đầu tư bao gồm hệ thống giám sát, hàng rào bảo vệ, hạ tầng liên lạc, hệ thống kiểm soát, hệ thống an toàn và các thiết bị cứu hộ.

Chính thức từ 24/11, ‘thành phố trong thành phố’ đầu tiên của Việt Nam được vận hành thử nghiệm phương tiện bay không người lái tốc độ 100km/h - ảnh 2
Đại biểu HĐND TP HCM thông qua Nghị quyết tại kỳ họp sáng 14/11. Ảnh: Lê Tuyết

Thành phố dự kiến chi khoảng 5,76 tỷ đồng để triển khai chính sách hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát cho các giải pháp công nghệ mới. Trong số đó, 4,8 tỷ đồng sẽ được sử dụng để triển khai các hạng mục thử nghiệm tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung, phần kinh phí còn lại được dành cho việc thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá kết quả thử nghiệm và hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.

Theo thông tin từ Báo Đầu tư, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết việc thí điểm có kiểm soát là nội dung mà Thành phố đã nhận thức rõ và đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, được thông qua tại Nghị quyết 98. Ông Mãi cho rằng khi thực hiện thí điểm có kiểm soát, "chúng ta chưa thể hình dung được hết các vấn đề có thể xảy ra, do vậy cần đặt ra giới hạn để kiểm soát."

"Tại phiên họp của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tinh thần lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng, làm động lực cho đổi mới tăng trưởng", ông chia sẻ thêm. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng TP.HCM phải tiên phong, thí điểm nhiều chính sách mới để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Để đạt được điều này, Thành phố cần có sự đầu tư mạnh mẽ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Sau khi lãnh đạo Thành phố giải trình và làm rõ các vấn đề, HĐND TP.HCM đã nhất trí thông qua nghị quyết. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát này sẽ có hiệu lực từ ngày 24/11.

TP. Thủ Đức, TP.HCM được thành lập vào năm 2020, là thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam, với diện tích hơn 210km2 và dân số trên 1 triệu người. Được hình thành trên cơ sở sáp nhập ba quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, thành phố này đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng.

>> Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025

Nước 'sát vách' Việt Nam trình làng máy bay không người lái lớn nhất thế giới, trọng lượng cất cánh 10,8 tấn, khoang chở hàng 65m3

Hàng loạt máy bay không người lái hướng vào Moscow, Nga đóng cửa 3 sân bay

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/chinh-thuc-tu-2411-thanh-pho-trong-thanh-pho-dau-tien-cua-viet-nam-duoc-van-hanh-thu-nghiem-phuong-tien-bay-khong-nguoi-lai-toc-do-100kmh-130341.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính thức từ 24/11, ‘thành phố trong thành phố’ đầu tiên của Việt Nam được vận hành thử nghiệm phương tiện bay không người lái tốc độ 100km/h
    POWERED BY ONECMS & INTECH