Xã hội

Chính thức từ 7/2025, người mắc bệnh này không còn được rút BHXH một lần

Thùy Dung 10/10/2024 21:18

Đây là một trong những thay đổi đáng chú ý của Luật BHXH 2024 so với Luật BHXH hiện hành.

Người bị bệnh phong không còn được rút BHXH một lần từ ngày 01/7/2025

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV giai đoạn AIDS và các bệnh khác do Bộ Y tế quy định có thể đề nghị rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Các bệnh được hưởng chế độ BHXH một lần được hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 của Thông tư 56/2017/TT-BYT (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 của Thông tư 18/2022/TT-BYT).

Tuy nhiên, theo quy định mới tại điểm c khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 70 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), chỉ những người mắc các bệnh như ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng và AIDS, đã chấm dứt tham gia BHXH, mới có thể đề nghị rút BHXH một lần.

Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã loại bỏ trường hợp người mắc bệnh phong được rút BHXH một lần. Từ ngày 01/7/2025, người bị bệnh phong sẽ không còn quyền rút BHXH một lần.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần cho người lao động mắc các bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng và AIDS từ ngày 01/7/2025

Theo khoản 4 Điều 70 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, những người lao động mắc các bệnh nghiêm trọng như ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng hoặc AIDS sẽ được hưởng BHXH một lần dựa trên số năm đã đóng BHXH và mức đóng BHXH. Đặc biệt, khoản đóng BHXH tự nguyện còn bao gồm phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việc tính mức hưởng mỗi năm thực hiện như sau:

(i) Bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với năm đóng trước năm 2014.

Lưu ý: Nếu có thời gian đóng BHXH trước và sau năm 2014, các tháng lẻ của thời gian đóng trước năm 2014 sẽ được chuyển sang giai đoạn sau năm 2014 để tính mức hưởng một lần.

(ii) Bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với năm đóng từ năm 2014 trở đi.

(iii) Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng nhưng không quá 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Bổ sung đối tượng được rút BHXH một lần từ 01/7/2025

Đây là một quy định mới được đưa ra trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024, so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể như sau:

Theo khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các đối tượng dưới đây nếu có yêu cầu sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần:

(i) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

(ii) Ra nước ngoài để định cư.

(iii) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

(iv) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, theo điểm đ khoản 1 Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), quy định đã được bổ sung thêm trường hợp người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng đã chấm dứt tham gia BHXH, nếu có đề nghị, cũng sẽ được hưởng BHXH một lần.

>> Công ty chậm đóng BHYT, chi phí khám chữa bệnh của người lao động có được hoàn trả?

6 trường hợp không phải đóng BHXH bắt buộc khi đang đi làm, nắm rõ để bảo vệ quyền lợi

Lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu, mức đóng BHXH tự nguyện thế nào?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/chinh-thuc-tu-7-2025-nguoi-mac-benh-nay-khong-con-duoc-rut-bhxh-mot-lan-d135760.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính thức từ 7/2025, người mắc bệnh này không còn được rút BHXH một lần
    POWERED BY ONECMS & INTECH