Chốt chi 122.250 tỷ đồng cho phát triển văn hóa
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, cho phép tổng nguồn vốn thực hiện tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.
Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP
Sáng 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 27/11. Ảnh: Như Ý |
Mục tiêu tổng quát của chương trình, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.
Đồng thời, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư.
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể. Trong đó, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện).
Đến năm 2030 sẽ phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích); các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.
Nghị quyết cũng nêu rõ, đến năm 2035 sẽ đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể. Trong đó, phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả.
Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước; hằng năm, có ít nhất 6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm
Về kinh phí thực hiện, Quốc hội cho phép tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương: 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); và nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2025 - 2030, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 - 2035.
Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa.
Ngân sách trung ương sẽ ưu tiên hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, đặc biệt là các địa phương miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 60% trở lên;
Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, chỉ hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương cho một số nhiệm vụ cụ thể theo nguyên tắc, tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Lý do 'khó chấp nhận' của các tài xế vượt đèn đỏ, đè vạch kẻ đường
Bên trong căn biệt phủ cổ gần 250 năm tuổi 99 căn phòng, cột nhà gỗ đế vương 2,7 tỷ