Chủ đầu tư Goldmark City nợ 23.000 tỷ đồng, thu chưa đến nửa đồng lãi trên mỗi 100 đồng vốn bỏ ra
Trong đó, doanh nghiệp đang trả nợ cho 129 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành 10.300 tỷ đồng, giá trị lưu hành theo mệnh giá là 9.736 tỷ đồng.
Mới đây, CTCP Thương Mại - Quảng Cáo - Xây Dựng - Địa Ốc Việt Hân (Việt Hân) đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính nửa đầu năm, với lợi nhuận sau thuế đạt 18,6 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng hợp từ HNX |
Cũng theo báo cáo, tại ngày 30/6, nợ phải trả của Việt Hân là 23.024 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2023. Dư nợ trái phiếu của công ty chiếm 42%, tương đương 9.717 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với đầu năm.
Trong 129 lô trái phiếu của Việt Hân đang lưu hành, có 9 lô phát hành năm 2021, trả lãi cuối kỳ. Số còn lại, 120 lô trái phiếu, phát hành năm 2020, trả lãi hàng năm, đến hạn hàng loạt vào ngày 27-28 tháng 8 vừa qua. Tất cả trái phiếu đều có thời hạn 7 năm, thông tin theo công bố định kỳ của doanh nghiệp.
Với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 5,9 lần, có thể thấy Công ty Việt Hân sử dụng đòn bẩy tài chính tương đối lớn. Trong khi đó, hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu lại rất thấp, chưa tới 0,5% mỗi năm.
Tổng hợp từ HNX |
Việt Hân là chủ đầu tư dự án Goldmark City tại 136 Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Dự án bao gồm 9 tòa chung cư cao từ 40-45 tầng với khoảng 5.000 căn hộ. Goldmark City bắt đầu đón cư dân từ cuối năm 2017, nhưng ngay sau đó đã vướng vào hàng loạt tranh cãi liên quan đến chất lượng công trình, sự không minh bạch trong cam kết của chủ đầu tư với cư dân.
Nhiều cư dân Goldmark City bức xúc cho biết họ được hứa hẹn sẽ sống trong một khu đô thị khép kín, có hàng rào ngăn cách với khu vực bên ngoài. Tuy nhiên, khi nhận nhà, họ phát hiện đây là khu đô thị mở, không có rào chắn như cam kết, dẫn đến việc cư dân từ Vinaconex 7 tràn vào sử dụng tiện ích của Goldmark City, gây mất an ninh và bất ổn.
Mâu thuẫn leo thang vào ngày 31/3/2018, khi cư dân Vinaconex 7 tự ý tháo dỡ hàng rào của Goldmark City để mở lối thông đường giữa hai dự án. Trước đó, Công ty Việt Hân đã cam kết với Vinaconex 7 sẽ hoàn thành việc khớp nối hạ tầng trước ngày 30/3/2018, cho phép cư dân Vinaconex 7 sử dụng lối đi chung ra đường Hồ Tùng Mậu. Tuy nhiên, khi đến hạn, công việc này vẫn chưa được thực hiện, khiến cư dân Vinaconex 7 bức xúc và tự ý phá bỏ hàng rào, gây phản ứng mạnh mẽ từ cư dân Goldmark City do lo ngại về an ninh và xâm phạm không gian sống.
Đây chỉ là một trong những mâu thuẫn ban đầu phát sinh. Về sau, liên quan đến việc định đoạt diện tích sử dụng chung - riêng và các vấn đề khác, cư dân và chủ đầu tư Goldmark City đã nhiều lần xảy ra phản đối, tranh chấp.
Từ cuối năm 2020, chủ đầu tư TNR Goldmark City liên tục bị cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm lập biên bản vi phạm hành chính về quản lý và sử dụng nhà chung cư. Đáng chú ý, ngày 31/12/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định xử phạt do hành vi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung tại tòa R1 và R4.
Cụ thể, tại tòa R1, khu vực sân chơi và sinh hoạt cộng đồng bị chuyển đổi thành khu vực cho thuê thương mại với diện tích 550 m², trong khi tại tòa R4, phòng sinh hoạt cộng đồng tại tầng 1 bị chuyển đổi thành cửa hàng và ngân hàng thuê với diện tích 525 m².
Năm 2021, kết luận thanh tra số 45/KL-TTr ngày 11/5/2021 của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nhiều sai phạm khác tại Goldmark City. Tại tòa R4, tầng 3 đã mở thêm cửa không đúng thiết kế và phòng Sauna được chuyển đổi thành phòng sinh hoạt cộng đồng. Tại tòa R2, mục đích sử dụng từ văn phòng bị chuyển thành dịch vụ thương mại. Tại tòa S2, sân chơi chung diện tích 480 m² cũng bị chuyển thành dịch vụ thương mại.
>> Lumi Hà Nội cùng 8 dự án đủ điều kiện mở bán: 5.300 căn hộ được tung ra thị trường