Trong một phát biểu vào chủ nhật vừa qua, ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Evergrande nhấn mạnh, không ai ở Evergrande được phép "nằm im", toàn công ty phải "chạy nước rút hết tốc lực" để đạt mục tiêu giao 39.000 căn hộ ngay trong tháng 12 này.
Chủ tịch Tập đoàn Evergrande, ông Hứa Gia Ấn, trong cuộc họp vào ngày Chủ Nhật vừa qua đã nói rằng, sẽ không có ai ở Evergrande được nghỉ ngơi, ông hối thúc người lao động làm việc ngày đêm để có thể nối lại hoạt động kinh doanh và trả nợ.
“Khi mà doanh nghiệp nối lại hoạt động xây dựng bất động sản ở tốc độ và công suất tối đa, nhóm này dự kiến sẽ hoàn tất được 115 dự án ngay trong tháng 12 này. Chỉ còn 5 ngày nữa hết tháng, chúng tôi sẽ làm việc bằng tất cả sức lực để có thể giao được 39.000 căn hộ trong tháng này”, ông Hứa nhấn mạnh.
Cam kết của ông được đưa ra chỉ một ngày sau khi cơ quan quản lý ngành bất động sản hàng đầu Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã rằng chính phủ sẽ nhanh chóng giải quyết những rủi ro bắt nguồn từ việc chậm giao bất động sản của một số doanh nghiệp bất động sản hàng đầu.
Cũng trong ngày Chủ Nhật, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết, sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua nhà.
Tuyên bố này cũng cho hay Evergrande đã nối lại hợp tác với khoảng hơn 80% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trang trí và nhà cung cấp dài hạn, đồng thời đã ký hơn 6.869 hợp đồng với các nhà cung cấp nguyên liệu.
Evergrande hiện đang là tập đoàn bất động sản nợ nần nhiều nhất thế giới, tổng số nợ lên đến hơn 300 tỷ USD. Hiện tại Evergrande đang chật vật trả tiền cho các trái chủ, ngân hàng, các nhà cung cấp và nỗ lực để bàn giao nhà cho người mua. Những gì đang diễn ra tại Evergrande cũng cho thấy khó khăn chung mà nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc khác phải đương đầu trong nỗ lực giảm nợ trong ngành này.
Hồi đầu tháng 12/2021, Evergrande lần đầu tiên chính thức bị gán mác vỡ nợ. Đây là cột mốc mới nhất trong bê bối tài chính kéo dài nhiều tháng qua, mở đường cho một cuộc tái cơ cấu lớn đối với công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới này.
Cụ thể, Fitch Ratings đã hạ đánh giá Evergrande xuống "vỡ nợ hạn chế" do không kịp thanh toán hai khoản trái phiếu sau khi thời gian gia hạn đã hết vào thứ hai. Phía công ty đánh giá tín dụng cho biết Evergrande đã không phản hồi yêu cầu xác nhận về khoản thanh toán kể trên và giả định rằng khoản thanh toán đó không được thực hiện. Việc hạ xếp hạng có thể gây ra các vụ vỡ nợ chéo đối với khoản nợ 19,2 tỷ USD của Evergrande.
Việc này đánh dấu sự khởi đầu cho kết thúc của đế chế bất động sản lớn bắt đầu từ 25 năm trước bởi người sáng lập Hứa Gia Ấn, mở ra một cuộc chiến kéo dài xem chủ nợ nào sẽ được trả tiền trước từ những gì còn lại. Sự việc cũng đặt ra thách thức đối với nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản làm bùng phát sự lây lan rộng hơn.
Evergrande, công ty gánh hơn 300 tỷ USD nợ phải trả tính đến tháng 6, cho biết trong một hồ sơ trao đổi ngắn vào ngày 3/12 rằng họ có kế hoạch "tích cực trao đổi" với các chủ nợ nước ngoài về một kế hoạch tái cơ cấu. Công ty đang có kế hoạch đưa cả trái phiếu phát hành ở nước ngoài và nghĩa vụ nợ tư nhân vào cuộc tái cơ cấu được xếp vào hàng lớn nhất Trung Quốc từ trước đến nay.
Brock Silvers, Giám đốc đầu tư tại Kaiyuan Capital ở Hồng Kông cho biết: "Việc hạ xếp hạng có thể không có tác động công khai hoặc ngay lập tức đến tình hình hiện tại, nhưng có thể làm gia tăng áp lực lên công ty (và các cơ quan quản lý) để nhanh chóng tiết lộ các đề xuất tái cơ cấu ban đầu".
Chính phủ Trung Quốc những tháng gần đây đã tạm nới lỏng các điều kiện vốn nhằm ngăn ngành bất động sản Trung Quốc “hạ cánh cứng” tuy nhiên cho đến nay chưa điều chỉnh các biện pháp hạn chế trên thị trường bất động sản nhằm giảm đòn bẩy và đầu cơ.
Giới chức Trung Quốc đang đánh giá quy mô tài sản của Evergrande và vị chủ tịch giàu có tuy nhiên cho đến nay chưa có tài sản nào bị ép bán, theo những nguồn tin thân cận với vụ việc nói với Reuters.
Các tỉ phú bất động sản Trung Quốc hiện đang có năm tồi tệ nhất tính từ năm 2012 bởi chính phủ Trung Quốc siết chặt tình hình nợ nần của doanh nghệp và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn phân phối lại tài sản nhằm đảm bảo cho sự thịnh vượng chung.
Theo chỉ số Bloomberg Billionaire, xếp hạng của 500 người giàu nhất thế giới bắt đầu được tính toán từ năm 2012, những tỉ phú giàu có nhất phía sau các doanh nghiệp bất động sản đã mất hơn 46 tỷ USD trong năm nay. Chỉ riêng tài sản của ông Hứa đã giảm đến 17,2 tỷ USD và đây là một trong những sự suy giảm tồi tệ nhất trong năm 2021.
Sốc với danh mục bất động sản rải khắp toàn cầu của vợ cũ ông chủ 'bom nợ' Evergrande
Trung Quốc dự tính áp án phạt kỷ lục cho PWC, vì đâu nên nỗi?