Chủ tịch EVN nêu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện
Việc cung ứng điện năm 2024 được EVN xác định là nhiệm vụ chính trị và trọng tâm. Doanh nghiệp này hiện đang tập trung là hoàn thành sửa chữa các nhà máy điện, tích nước các hồ thủy điện ở mức cao nhất. Đến nay, công tác chuẩn bị kịch bản cho 3 tháng cuối mùa khô đã có, EVN sẽ nỗ lực để không xảy ra tình trạng thiếu điện như năm 2023.
Nêu vấn đề tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Công Thương sáng 20/12, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết hiện tỉnh còn 520ha đất công nghiệp, sẵn sàng đầy đủ hạ tầng nhưng hạ tầng về điện chưa đáp ứng. Đất có, hạ tầng có nhưng chưa có điện.
Đơn cử như tại Khu công nghiệp Nam Bắc Tiên Phong mới có 50 MW, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp tại đây lên tới vài trăm MW để sản xuất, kinh doanh. Hay trạm biến áp tại Khu công nghiệp Hải Hà Móng Cái đã sử dụng hết công suất, nên cần được nâng cấp.
“Việc tăng năng lực cung ứng điện cho các khu công nghiệp hiện rất cấp bách đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, xử lý", đại diện tỉnh Quảng Ninh nói.
Thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện
Trả lời vấn đề này, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Với các địa phương có nhu cầu phát triển phụ tải tại khu công nghiệp cần trao đổi và thông tin sớm để ngành điện có sự chuẩn bị, có kế hoạch đầu tư sớm bởi dự án điện cần nhiều thời gian để đầu tư.
Chủ tịch EVN cũng nêu lại nguyên nhân của việc thiếu điện cuối tháng 5/2023 vừa qua đã được Thanh tra Bộ Công Thương chỉ ra, thực hiện kiểm tra kiểm điểm rút kinh nghiệm với cán bộ, lãnh đạo của EVN. Đến nay, việc cung ứng điện đã trở lại bình thường, tăng trưởng điện thương phẩm 2023 ước tăng 4,6%.
"Việc đầu tư các dự án điện còn nhiều khó khăn nhưng EVN đã nỗ lực đạt được khối lượng lớn với trên 91.000 tỉ đồng, khởi công 146 công trình, đóng điện 163 công trình lưới điện từ 110-220 kV. Trong đó, việc cung ứng điện năm 2024 được EVN xác định là nhiệm vụ chính trị và trọng tâm. Hiện, EVN đang chuẩn bị cho kịch bản GDP tăng trưởng ở mức tương đối cao 6-6,5% tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện là 9,4-9,8%", ông Đặng Hoàng An thông tin.
Đồng thời, EVN hiện cũng đang tập trung là hoàn thành sửa chữa các nhà máy điện, tích nước các hồ thủy điện ở mức cao nhất. Đến nay, công tác chuẩn bị kịch bản cho 3 tháng cuối mùa khô đã có, EVN sẽ nỗ lực để không xảy ra tình trạng thiếu điện như năm 2023.
Chủ tịch EVN đặc biệt nhấn mạnh đến việc quản lý tốt các nhà máy trong hệ thống có vai trò lớn. Trong cơ cấu nguồn điện hiện nay, EVN chiếm tỉ trọng là 37,7%, dầu khí chiếm 8% và TKV chiếm 2%… còn lại 52% hệ thống là chủ đầu tư và thành phần kinh tế khác.
"EVN đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị bám sát kế hoạch cung ứng điện đã được phê duyệt để giữ độ tin cậy tối đa trong vận hành hệ thống. Gắn với đó là chúng ta tập trung tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, xử lý vướng mắc với các công trình điện", ông An nói.
'Chưa bao giờ có sự triển khai thần tốc như vậy'
Về công trình 500kV được Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thành, có tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỉ đồng, Chủ tịch EVN khẳng định: "Chưa bao giờ có sự thần tốc như vậy khi chỉ trong 4 tháng hoàn thành 219 gói thầu và thi công tuyến đầu tiên Nam Định - Thanh Hóa. Dự kiến, đầu tháng 1/2024 chúng ta sẽ khởi công đồng loạt các gói thầu còn lại của dự án này".
Sang năm 2024, ông Đặng Hoàng An cho biết, EVN đặt mục tiêu đầu tư xây dựng các dự án với kinh phí khoảng 102.000 tỉ đồng, khởi công đóng điện nhiều dự án. Đây là các dự án có vai trò rất quan trọng đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội do đó, EVN đề nghị các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để chủ đầu tư hoàn thành các dự án sớm.
Chia sẻ thêm tại Hội nghị, Chủ tịch EVN cho biết, vấn đề cân bằng tài chính của Tập đoàn Điện lực gặp nhiều khó khăn trong năm 2022 - 2023 đã làm ảnh hưởng đời sống, tâm tư, tình cảm của cán bộ công nhân viên. Đây cũng là vấn đề của ngành điện năm qua, EVN cũng mong nhận được sự chỉ đạo của các Bộ, ngành, địa phương để ngành điện sớm ổn định, vượt qua khó khăn.
Sẵn sàng cung ứng điện năm 2024
Trước đó, báo cáo tại hội nghị Tổng kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, bên cạnh công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Công Thương đã thường xuyên chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan cơ bản đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất.
Tuy còn xẩy ra tình trạng thiếu điện cục bộ vào thời điểm thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan nhưng đã được khắc phục kịp thời bằng nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài.
Đến nay, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch gồm Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản. Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu khí đốt quốc gia cũng đã hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.
Ngành điện hiện đã triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vận hành, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW), Vân Phong 1 (hoàn thành Tổ máy 1 - 716 MW).
Đồng thời, đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình lưới điện 500 kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đã tích cực triển khai công tác đầu tư xây dựng và sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện trong năm 2023.
Theo tính toán cập nhật, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện năm 2023 ước đạt 280,1 tỷ kWh, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98,45% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Để đảm bảo cung ứng điện cho năm 2023 và kế hoạch năm 2024, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức các đoàn kiểm tra công tác xử lý sự cố, chuẩn bị nhiên liệu phục vụ phát điện năm 2023 và kế hoạch năm 2024.