Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Việt Nam là quốc gia không thể thiếu trên bản đồ bán dẫn, AI thế giới
Theo ông Trương Gia Bình, Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu về AI và bán dẫn, mở ra kỷ nguyên mới khi thế giới cần đến công nghệ.
Phát biểu tại một sự kiện công nghệ ngày 13/1, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định, sau nhiều thập kỷ đưa phần mềm ra thế giới, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành quốc gia được thế giới cần đến nhờ tiềm năng vươn lên dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ lõi như AI và bán dẫn. Theo ông, đây chính là tương lai của Việt Nam.
"Trong mấy chục năm qua, Việt Nam đã đi ra thế giới về phần mềm, chúng ta cần thế giới. Từ nay, vài thập kỷ tới, thế giới sẽ cần Việt Nam vì chúng ta có thể vươn lên số một ở lĩnh vực AI, bán dẫn - những công nghệ lõi, mọi quốc gia đều cần, đó là tương lai của Việt Nam", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ.
Ông Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết 57 được Bộ Chính trị ban hành vào tháng 12/2024 như một nền tảng chiến lược cho sự phát triển của đất nước. Nghị quyết này đặt trọng tâm vào việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, coi đó là yếu tố quyết định để đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
>> Chủ tịch Trương Gia Bình: Ưu tiên của FPT là phụng sự đất nước tại những lĩnh vực quan trọng nhất
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình |
Là một trong những tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, FPT cam kết sẽ thực hiện Nghị quyết 57 thông qua các hoạt động cụ thể như sau:
Thứ nhất, tập trung khai thác dữ liệu chính phủ để phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, thuế, ngân hàng và bảo mật.
Thứ hai, đóng góp dữ liệu vào trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm hỗ trợ quản lý và chia sẻ thông tin trên quy mô lớn.
Thứ ba, đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ ở mọi cấp độ, từ phổ thông, đào tạo nghề, đại học đến sau đại học. FPT đặt mục tiêu đào tạo 10.000 kỹ sư chuyên về bán dẫn trong tương lai gần.
Thứ tư, đồng hành cùng Chính phủ trong hoạt động ngoại giao công nghệ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, và tạo kết nối xuyên quốc gia để thúc đẩy hợp tác toàn cầu.
Ngoài ra, FPT cam kết đưa ngành xuất khẩu phần mềm và dịch vụ chuyển đổi số của Việt Nam ra thị trường quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu công nghệ quốc gia.
Thứ năm, hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới để xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam, với công suất trên 50MW.
Thứ sáu, triển khai các dự án chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho các bộ, ngành, địa phương.
Thứ bảy, phát triển các thành phố thông minh đạt chuẩn quốc tế, trong đó FPT đặt mục tiêu hoàn thành ba thành phố thông minh trong giai đoạn tới.
Thứ tám, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sở hữu công nghệ lõi thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trên toàn cầu. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm AI, IoT, Big Data, an ninh mạng, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn và công nghệ lượng tử.
Với chiến lược toàn diện và các cam kết mạnh mẽ này, FPT đặt mục tiêu không chỉ nâng tầm Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới mà còn góp phần xây dựng nền kinh tế số vững mạnh cho đất nước.
>> FPT Japan cán mốc nửa tỷ USD doanh thu, nhận 'quà' đặc biệt từ Chủ tịch Trương Gia Bình
Hàng loạt 'kỳ lân' công nghệ Việt xuất khẩu tỷ đô, trở thành ngôi sao mới trên bản đồ kinh tế số
Doanh nghiệp đứng sau hệ thống camera phạt nguội tích hợp AI đầu tiên tại Việt Nam là ai?