Là người thừa kế Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc - Samsung, Chủ tịch Lee Jae-yong trở thành giàu nhất Hàn Quốc hiện nay với khối tài sản 9 tỷ USD.
Chủ tịch Samsung - ông Lee Jae-yong, sinh năm 1968 tại Seoul, Hàn Quốc. Ngay từ khi sinh ra, ông đã được coi là người tiếp quản của Samsung với tư cách là con trai duy nhất của cố Chủ tịch Lee Kun-hee.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul và nhận bằng thạc sĩ tại Nhật Bản, ông Lee theo học tại Trường Kinh doanh Harvard trong 5 năm trước khi về làm cho tập đoàn. Điều này đã giúp cho tân Chủ tịch Samsung có được tri thức đa dạng, phong phú với nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hiện nay, ông Lee là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản 9 tỷ USD (đứng thứ 225 thế giới), theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes.
Người thừa kế sáng giá
Ông Lee bắt đầu làm việc tại Samsung từ năm 1991 với chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch và Chiến lược, sau đó chuyển sang quản lý Bộ phận Chăm sóc khách hàng của Samsung. Từ tháng 12/2012, ông được thăng chức lên Phó Chủ tịch.
Theo những nhân viên lâu năm, vì đã luân chuyển qua nhiều bộ phận nên ông Lee hiểu rất rõ cách vận hành của tập đoàn và có nhiều thuận lợi từ khi lên chức Phó chủ tịch.
Mặc dù đến tận tháng 10/2022, Hội đồng quản trị Samsung Electronics mới chấp thuận việc bổ nhiệm ông Lee Jae-yong trở thành người đứng đầu công ty. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, thực tế ông đã nắm quyền quản lý hoàn toàn từ năm 2014 - khi cha ông hôn mê sau một cơn đau tim.
Kể từ khi ông Lee lên nắm quyền, "gã khổng lồ" điện thoại đã liên tiếp đạt những thành tựu mới. Galaxy S6 Edge ra đời vào năm 2015 chính là một bứt phá vĩ đại khi sở hữu thiết kế tinh xảo với màn hình cong tràn viền đầu tiên trên thế giới.
Một năm sau đó, siêu phẩm Galaxy S7/S7 Edge với công nghệ lấy nét Dual Pixel chân thật như máy ảnh chuyên nghiệp đã được ra mắt. Đây cũng chính là hai chiếc điện thoại giúp Samsung đoạt giải smartphone tốt nhất thế giới và tạo nên một năm 2016 rực rỡ. Đến đầu năm 2017, bộ sản phẩm Galaxy A7 lại tiếp tục làm khuynh đảo thị trường smartphone và giúp thị phần của Samsung tăng vọt lên mức 25% toàn cầu.
Mặc dù tình hình kinh doanh của Samsung có những thời điểm không khả quan vì nhu cầu thấp và kinh tế toàn cầu chững lại, nhiều người vẫn tin rằng ông Lee có thể lèo lái tập đoàn vượt qua.
Ngoài ra, có một số người nhận xét rằng ông Lee Jae-yong không có khả năng và phong thái lãnh đạo như cha mình. Tuy nhiên, nhiều nhân viên trong Samsung lại nhận thấy sự trầm lắng, điềm đạm của vị Chủ tịch đã che giấu quyết tâm vững vàng bên trong.
Những người thân thiết nhận xét chính sự nhạy bén trong kinh doanh của ông đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi của gã khổng lồ điện tử, giúp Samsung trở thành "tượng đài công nghệ" Hàn Quốc.
Ấp ủ nhiều dự định to lớn
Ông Lee Jae-yong luôn hướng đến phát triển nguồn nhân lực và công nghệ. Ông từng chia sẻ, ngay từ khi Samsung thành lập, con người và công nghệ đã là trung tâm của mọi việc, thúc đẩy sự phát triển của công ty.
Thêm vào đó, Samsung cũng đang tìm kiếm các lĩnh vực tăng trưởng mới. Đầu tháng 10/2022, những lãnh đạo cao cấp nhất tập đoàn đã tham dự sự kiện khánh thành nhà máy Samsung Biologics ở Incheon - một dấu hiệu cho thấy mảng kinh doanh này đang được quan tâm.
Tập đoàn này đã cam kết đầu tư 350 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ sinh học và dự kiến tạo ra khoảng 80.000 việc làm trong vòng 5 năm tới.
Về tình hình kinh doanh quý 1/2023 của Samsung, Samsung chịu tổn thất lớn khi lợi nhuận hoạt động của họ chỉ đạt 640 tỷ won, giảm đến 95% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức thấp nhất kể từ quý 1/2009.
Trong đó, mảng chip bán dẫn, vốn là phần mang lại nhiều lợi nhuận nhất, đã báo lỗ 4,58 nghìn tỷ won, đây là mức lỗ cao nhất mà công ty từng ghi nhận. Đây vốn là xu thế chung khi ngành sản xuất chip trên toàn cầu, với quy mô trị giá 160 tỷ USD, đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian gần đây. Với việc suy giảm nền kinh tế và lạm phát, những lo ngại về suy thoái kinh tế khiến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp khó có thể chi tiêu nhiều cho các thiết bị điện tử.
Samsung có gì tại Việt Nam?
Đánh dấu 15 năm phát triển và đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam, Samsung đã có bao gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D), trong đó SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC (TP.HCM) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á, và SVMC là Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức được thành lập tại Bắc Ninh vào năm 2008 với số vốn đầu tư đạt khoảng 9,3 tỷ USD. Theo đó, Bắc Ninh là tỉnh được Samsung rót vốn nhiều nhất, chiếm gần một nửa tổng số vốn Samsung đầu tư tại Việt Nam (49%).
Samsung tại Việt Nam |
Theo Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, Samsung Việt Nam đang vượt qua vai trò cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu tại Việt Nam, Samsung đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển của riêng Samsung tại Hà Nội, với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn. Trung tâm này đã được khánh thành vào cuối tháng 12/2022.
Ngoài ra, Phó chủ tịch Samsung Electronics Han Jong-hee cho biết sẽ nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...