Chủ tịch Quốc hội: “Lạm phát chỉ đạt 3,15% nhưng lãi suất huy động đến 9% thì quá vô lý”

06-06-2023 09:33|Minh Minh

Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đã đặt ra một số vấn đề như mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, lãi suất tại các ngân hàng.

Chiều 5/6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, từ trước đến nay, đóng góp của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại rất lớn. Song, khi thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cần thẳng thắn đặt ra các vấn đề như tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết Trung ương lần này cũng đã nhấn mạnh phải chấm dứt sở hữu chéo; chấm dứt chứ không phải hạn chế.

Ngoài ra, cũng, cần phải công khai những chủ sở hữu có vốn sở hữu tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, để người dân biết ai là người thực sự chi phối ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng cho rằng, Việt Nam chưa có luật về tập đoàn tài chính, trong khi đó, trên thực tế đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tập đoàn tài chính; hoặc công ty mẹ - con, trong đó, công ty mẹ là một tổ chức tín dụng; hoặc một tập đoàn, song trong tập đoàn đó có tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn).

"Điều này cần được làm rõ quan hệ giữa doanh nghiệp, tập đoàn với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại như thế nào; báo cáo tài chính hợp nhất, nghĩa vụ công bố thông tin ra sao", Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Đối với nội dung về 2 ngân hàng chính sách được quy định trong dự án luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải thiết kế một chương, quy định cụ thể một số điều có tính nguyên tắc, là cơ sở để giao Chính phủ quy định một số vấn đề chi tiết hơn.

"Mỗi ngân hàng chính sách đều có một Nghị định của Chính phủ. Sau này nếu có điều kiện thì tách ra, tách ra thành Luật về Các ngân hàng chính sách xã hội". Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, trong Điều 136 dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có đề cập nội dung về tài chính của các tổ chức tín dụng, nhưng quy định chỉ vài dòng.

"Điều này là không được! Cần quy định cụ thể hơn như doanh thu, chi phí tài chính ra sao, phần nào là doanh thu hợp lý, phần nào không hợp lý, trích lập dự phòng thế nào, tất cả phải tường minh cho xã hội khỏi thắc mắc", Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, hiện nay, ngân hàng đã nỗ lực hết sức với nền kinh tế. Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 3 lần lãi suất điều hành, Phó Thống đốc Ngân hàng cũng nói "còn có thể giảm được nữa". Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 nhưng lãi suất huy động đến 9% thì quá vô lý.

Do vậy, muốn giải đáp những câu hỏi như thế này cần phải quy định ngay trong dự án Luật Các tổ chức tín dụng. Những nội dung nào cần chi tiết hơn nữa thì quy định bằng nghị định.

CTCK điểm mặt 6 cổ phiếu có cổ tức đều đặn là ‘nơi trú ẩn’ dài hạn cho nhà đầu tư khi thị trường giảm điểm

Một loạt quan chức khẳng định không cần cắt giảm lãi suất trong năm nay, Fed sẽ 'quay xe' khiến Phố Wall thất vọng?

Bank of America: Đến tháng 3/2025 Fed mới giảm lãi suất, nền kinh tế Mỹ còn chống chịu được lạm phát cao bao lâu?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chu-tich-quoc-hoi-lam-phat-chi-dat-315-nhung-lai-suat-huy-dong-den-9-thi-qua-vo-ly-186474.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chủ tịch Quốc hội: “Lạm phát chỉ đạt 3,15% nhưng lãi suất huy động đến 9% thì quá vô lý”
POWERED BY ONECMS & INTECH