Chủ tịch SSI nói 'đã đến lúc bắt đáy', cá mập HAG, ANV đăng ký gom hàng
Dù thị trường đang hoảng loạn, vẫn có những lãnh đạo, người có liên quan chọn cách 'ôm hàng', cho thấy niềm tin dài hạn với doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán rúng động bởi chính sách thuế đối ứng của Mỹ, nhiều cổ phiếu rơi tự do, VN-Index mất gần 200 điểm chỉ sau 3 phiên, thì vẫn có những “bàn tay thép” sẵn sàng xuống tiền. Đáng chú ý trong số đó là những giao dịch mua mạnh của người nội bộ như con gái bầu Đức – Chủ tịch HAGL và Tổng Giám đốc Nam Việt – ông Doãn Tới.
Ngày 8/4, bà Đoàn Hoàng Anh – con gái ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) – đã đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu HAG. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh, từ ngày 14/4 đến 13/5.
Nếu hoàn tất, bà Hoàng Anh sẽ nâng lượng cổ phiếu nắm giữ từ 14 triệu lên 18 triệu đơn vị, tương đương tăng tỷ lệ sở hữu từ 1,32% lên 1,7%. Ước tính theo giá kết phiên 8/4 (10.250 đồng/cp), con gái bầu Đức sẽ chi khoảng 41 tỷ đồng cho thương vụ này.
Hiện cổ phiếu HAG đang trong nhịp giảm mạnh cùng với xu hướng chung của thị trường, sau thông tin Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng với hàng hóa từ Việt Nam. Riêng trong 3 phiên gần nhất, HAG đã mất 17,4% giá trị, giảm sàn trong phiên 8/4 và giảm gần 15% so với đầu năm.
Tương tự, ông Doãn Tới – Tổng Giám đốc CTCP Nam Việt (mã ANV) – cũng đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu ANV trong khoảng thời gian từ ngày 11/4 đến 10/5, nâng tỷ lệ sở hữu từ 53,85% lên 54,98%. Với thị giá hiện tại 13.300 đồng/cp (giảm 19,4% sau 3 phiên), ông Tới dự kiến chi khoảng 40 tỷ đồng cho đợt mua này.
![]() |
Động thái mua vào của người nội bộ diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán chịu áp lực lớn từ làn sóng phòng vệ thương mại mới của Mỹ; các nhóm doanh nghiệp xuất khẩu – đặc biệt là nhóm cá tra như Nam Việt có thể chịu tác động mạnh. Từ ngày 3 đến 8/4, VN-Index đã giảm 185 điểm.
Dù vậy, trong thư trấn an cổ đông ngày 8/4, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định các chính sách thuế mới từ Mỹ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu chủ lực của HAGL. Theo ông, sản phẩm chính là chuối được tiêu thụ tại các thị trường châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản – những quốc gia không nằm trong diện chịu thuế mới. Ngoài ra, các hợp đồng xuất khẩu sang Hàn và Nhật đều đã được chốt giá cố định theo năm, giúp doanh nghiệp ít chịu biến động giá.
Đặc biệt, bầu Đức cho biết giá xuất khẩu chuối sang Trung Quốc trong tuần này đã tăng lên mức hơn 12 USD/thùng, tăng 10% so với tuần trước, phản ánh nhu cầu ổn định và không chịu tác động từ căng thẳng thương mại. Đồng thời, đà tăng tỷ giá USD thời gian qua cũng giúp HAGL hưởng lợi, do phần lớn chi phí đầu vào của doanh nghiệp được thanh toán bằng đồng nội tệ.
Về hoạt động kinh doanh, HAGL đang trong năm thứ ba liên tiếp báo lãi trên mức nghìn tỷ đồng và tiến gần mục tiêu xóa sạch lỗ lũy kế. Trong giai đoạn 2021–2024, doanh nghiệp đã ghi nhận gần 4.100 tỷ đồng lợi nhuận nhờ chiến lược tập trung vào mô hình “2 cây, 1 con” gồm chuối, sầu riêng và heo.
Trong khi đó, Nam Việt cũng có kết quả tích cực trong năm 2024 với doanh thu đạt 4.911 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 47,8 tỷ đồng – tăng lần lượt 10,6% và 32,8% so với cùng kỳ.
Diễn biến bên lề, trong trạng thái mới nhất vừa được ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI đăng tải, vị lãnh đạo CTCK này cho biết "thuế quan tác động tiêu cực nhưng không có lý do gì thị trường phản ứng như tận thế, đã đến lúc bắt đáy!".
>> Hoàng Anh Gia Lai (HAG) xin 'khất' lãi lô trái phiếu nghìn tỷ đồng