Thuế quan từ Mỹ 'giội' cú sốc lên cổ phiếu FPT, tài sản ông Trương Gia Bình bốc hơi 5.000 tỷ đồng
Chỉ trong ba phiên ngày 3/4, 4/4 và 8/4, cổ phiếu FPT đã mất khoảng 14% giá trị. Tính từ đầu năm, vốn hóa của FPT đã "bốc hơi" hơn 66.800 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua ba phiên giảm sốc sau thông tin Tổng thống Donald Trump dự kiến áp thuế cao đối với hàng hóa Việt Nam. Phiên giao dịch ngày 8/4 tiếp tục chứng kiến VN-Index "bốc hơi" 77,88 điểm, đánh dấu chuỗi lao dốc mạnh nhất kể từ đầu năm. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu được sang tay, tương đương tổng giá trị giao dịch vượt 25.000 tỷ đồng.
Mặc dù được xem là nhóm ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế mới của Mỹ, cổ phiếu công nghệ vẫn không tránh khỏi áp lực bán tháo. Đáng chú ý, cổ phiếu FPT tiếp tục nối dài chuỗi giảm điểm. Chỉ trong ba phiên ngày 3/4, 4/4 và 8/4, FPT đã mất khoảng 14% giá trị. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, mã này đã giảm 30%, còn nếu tính từ mức đỉnh đạt được hồi cuối tháng 1 (154.300 đồng/cổ phiếu), mức giảm lên tới 32%.
Theo đó, vốn hóa của FPT đã "bốc hơi" hơn 66.800 tỷ đồng kể từ đầu năm và giảm tổng cộng 72.300 tỷ đồng nếu tính từ đỉnh.
>> Hòa Phát (HPG) 'bốc hơi' 27.800 tỷ đồng vốn hóa sau thông tin áp thuế của ông Trump
Đà giảm mạnh này cũng khiến giá trị tài sản của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT sụt giảm đáng kể. Tính đến hết phiên 8/4, ông Bình đang nắm giữ 102 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng khối tài sản khoảng 10.800 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn sở hữu 1,1 triệu cổ phiếu TPB, trị giá khoảng 32 tỷ đồng. Ước tính, tổng tài sản của ông Bình đã giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Không chỉ chịu áp lực từ thị trường chung và thông tin áp thuế, cổ phiếu FPT còn bị ảnh hưởng bởi làn sóng rút vốn mạnh mẽ từ khối ngoại. Trong nhiều phiên gần đây, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. Riêng phiên 8/4, khối ngoại bán ròng gần 3,1 triệu đơn vị FPT, với tổng giá trị lên tới 323 tỷ đồng.
Động thái bán mạnh đến từ quỹ PYN Elite – quỹ ngoại có quy mô khoảng 23.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ tăng mạnh trước đó, PYN đã thực hiện “chốt lãi” với cả FPT và CMG. Đại diện PYN chia sẻ: “Chúng tôi chốt lời cổ phiếu công nghệ FPT và CMG để giảm thiểu rủi ro, do các khoản đầu tư này đã tăng vượt xa lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp trong năm 2024".
Không chỉ dừng ở đó, PYN còn cảnh báo khả năng hình thành bong bóng công nghệ trên thị trường. Cổ phiếu FPT đã bắt đầu lao dốc sau khi PYN Elite thực hiện thoái vốn.
Dù đối diện với nhiều áp lực, FPT vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2025. Tập đoàn dự kiến đạt doanh thu 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng – tăng lần lượt hơn 20% và 21% so với kết quả thực hiện năm 2024. Năm vừa qua, FPT ghi nhận doanh thu 62.849 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 11.071 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, FPT cũng trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 20% (tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu), tổng giá trị chi trả hơn 2.942 tỷ đồng. Trong đó, 10% đã được tạm ứng từ tháng 12/2024 và phần còn lại sẽ được thanh toán trong quý II/2025.
>> Chính sách thuế của Mỹ tạo áp lực lên thị trường, loạt doanh nghiệp Việt lên phương án ứng phó
Nhiều thế hệ FPT xúc động tại lễ tưởng niệm Cố vấn Ogawa Takeo
Cổ đông FPT mất 30.000 tỷ kể từ khi 'cá mập' ngoại Pyn Elite cảnh báo về bong bóng công nghệ