Xã hội

Chủ tịch TPHCM: Không bỏ trống trụ sở công khi tinh gọn bộ máy

Hồ Văn 10/12/2024 - 12:50

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang rà soát khoảng 1.000 tài sản công tồn đọng để tháo gỡ, giải quyết và đưa vào sử dụng một cách hiệu quả.

Tại kỳ họp HĐND cuối năm, trong phiên làm việc sáng nay (10/12), ông Phan Văn Mãi cho biết Trung ương chọn TPHCM thí điểm tháo gỡ các dự án, tài sản công tồn đọng để sau đó triển khai trên cả nước.

mai 2.jpg
Chủ tịch Phan Văn Mãi báo cáo tại kỳ họp HĐND TPHCM. Ảnh: Đào Phương

Theo kế hoạch, đoàn công tác Trung ương sẽ vào thành phố trong tháng 12 này, nghe báo cáo để có chỉ đạo kịp thời. Với khoảng 1.000 tài sản công, thành phố sẽ phân loại nhóm để giải quyết, trong đó có nhóm sẽ đưa ra bán đấu giá, có nhóm sẽ cho thuê tạm thời khi chờ đầu tư dự án mới.

Cũng theo ông Mãi, trong kế hoạch tinh gọn bộ máy, thành phố cũng sẽ có phương án giải quyết các trụ sở công không sử dụng, lập kế hoạch khai thác cụ thể chứ không bỏ trống.

Nguyên nhân giải ngân đầu tư công không đạt

Thông tin thêm về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, ông Mãi cho biết tăng trưởng năm nay đạt 7,17% là nỗ lực của toàn thành phố, nhưng nếu so với chỉ tiêu đặt ra là 7-7,5% thì không đạt.

Năm 2025, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM yêu cầu đặt chỉ tiêu tăng trưởng hai con số (trên 10%). Ông Mãi khẳng định đây là chỉ tiêu đầy thách thức, nhưng từ kinh nghiệm năm 2024 cho thấy việc đặt chỉ tiêu cao là để phấn đấu, chứ không đặt thấp hay tiệm cận để báo cáo thành tích.

Về giải ngân đầu tư công, dự kiến đến cuối kỳ giải ngân có khả năng đạt trên 80%, không đạt chỉ tiêu đề ra là hơn 95% do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Theo ông Mãi, thành phố cần nhận diện nguyên nhân chủ quan để có giải pháp điều chỉnh hợp lý.

daibieu 4.jpg
Đại biểu HĐND tại phiên họp. Ảnh: Đào Phương

Cụ thể, ông Mãi cho rằng giải ngân thấp do công tác quy hoạch chưa kịp thời điều chỉnh khi có nhiều biến động. Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục hành chính tại các sở, ngành (6 cơ quan liên quan) chậm và chưa đồng bộ. Lãnh đạo TPHCM cũng thừa nhận trong điều hành của UBND thành phố có lúc, có nơi còn chậm.

Trong năm tới, thành phố sẽ phải giải ngân khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 80.000 tỷ được giao của năm 2025 và khoảng 20.000 tỷ chuyển tiếp từ năm 2024. Để năm 2025 đạt giải ngân đầu tư công trên 95%, thành phố đã phân công Thường trực UBND theo dõi, chỉ đạo, đốc thúc các dự án lớn.

“UBND TPHCM đã xây dựng đề án giải ngân đầu tư công cho năm 2025 và các năm tới. Thành phố đang hoàn thiện đề án, sẽ báo cáo Thành ủy và trong phiên tổng kết năm 2024 cuối tháng 12 này” - người đứng đầu chính quyền thành phố thông tin.

Còn trong kế hoạch tinh gọn bộ máy, TPHCM sẽ xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cũng như việc gì nhà nước làm, việc gì xã hội hóa…, để kiến nghị với Trung ương sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

“Như vậy, việc tinh gọn bộ máy không chỉ là sáp nhập mà còn là rà soát thể chế, củng cố lại tổ chức. Đây là việc rất lớn và khi triển khai, thành phố muốn và cần lắng nghe thêm ý kiến đóng góp” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

>> Bộ Tư pháp lấy ý kiến cán bộ chủ chốt về sắp xếp tổ chức bộ máy

Quốc hội sẽ họp vào cuối tháng 2, xem xét sửa các luật liên quan đến tinh gọn bộ máy

Thanh Hóa giảm 5 sở sau khi tinh gọn bộ máy

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chu-tich-tphcm-khong-bo-trong-tru-so-cong-khi-tinh-gon-bo-may-2350610.html
Bài liên quan
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ưu tiên cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy
    Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, sáng 7/12, Thủ tướng yêu cầu ngay trong tuần tới phải dành thời gian ưu tiên cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực họp với các bộ, ngành theo kế hoạch đã phân công.
  • Thủ tướng: Các bộ ngành giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong khi tinh gọn bộ máy
    Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện tốt kế hoạch, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; các bộ ngành giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong.
  • Những nội dung chuẩn bị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy
    Công văn của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" nêu cụ thể những nội dung chuẩn bị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương (dự kiến giữa tháng 2/2025); trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau khi có nghị quyết (kết luận) của Ban Chấp hành Trung ương.
  • Tinh gọn bộ máy Quốc hội: Giữ 500 Đại biểu hay giảm xuống 400?
    Tinh gọn tổ chức bộ máy của Quốc hội trước hết phải tính đến số lượng và cơ cấu, thành phần Đại biểu Quốc hội hình thành nên Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chủ tịch TPHCM: Không bỏ trống trụ sở công khi tinh gọn bộ máy
    POWERED BY ONECMS & INTECH