Chủ tịch VNDirect - Phạm Minh Hương trải lòng sau giai đoạn 'đen tối nhất' trong 18 năm
Năm 2024 khép lại với biến cố chưa từng có tại VNDirect khi hệ thống bị tấn công mạng, nhưng cũng là năm đánh dấu sự trưởng thành sau 18 năm phát triển. Chủ tịch Phạm Minh Hương gọi đây là “phép thử bản lĩnh” và động lực tái cấu trúc toàn diện.
Năm 2024 đánh dấu chặng đường 18 năm hình thành và phát triển của CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND). Trong thư gửi cổ đông và đối tác đầu năm 2025, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT gọi đây là năm đặc biệt không chỉ bởi những thành tựu đạt được, mà còn bởi bài kiểm tra lớn nhất mà doanh nghiệp từng trải qua khi đối diện một cuộc tấn công mạng khiến toàn bộ hệ thống ngưng trệ suốt một tuần.
“Sự cố ấy, nếu không có ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết của toàn thể đội ngũ, chúng tôi sẽ không thể giữ được trọn vẹn niềm tin từ khách hàng và thị trường” - bà Hương viết.
![]() |
Báo cáo thường niên 2024 của VNDirect khởi đầu với thông điệp dài nhiều trang của Chủ tịch Phạm Minh Hương |
"Phép thử bản lĩnh" cho VNDirect
Cuộc tấn công mạng vào tháng 3/2024 khiến hệ thống giao dịch của VNDirect tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, chỉ sau 7 ngày, toàn bộ hạ tầng công nghệ được khôi phục, dữ liệu và tài sản của khách hàng được đảm bảo tuyệt đối an toàn. Với Chủ tịch VNDirect, đây không chỉ là một “sự kiện rủi ro”, mà còn là một phép thử bản lĩnh, là động lực để công ty tái cấu trúc mạnh mẽ từ bên trong.
Ngay sau biến cố, VNDirect tuyên bố tái định hình chuỗi giá trị, theo định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, củng cố hệ thống công nghệ, nâng cao năng lực bảo mật và ứng dụng AI để cá nhân hoá sản phẩm, dịch vụ. Các nền tảng như Dstock (giao dịch chứng khoán), DGO (tích sản dài hạn), Dwealth (tư vấn tài chính) và Deare (dịch vụ chuyên gia) được cập nhật và đồng bộ hóa mạnh mẽ trong năm qua.
Đến cuối 2024, VNDirect ghi nhận tổng tài sản đạt 44.295 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 19.715 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.718 tỷ đồng. Công ty phục vụ hơn 940.000 tài khoản khách hàng, trong đó có trên 170.000 tài khoản active.
Bên cạnh khách hàng cá nhân, VNDirect mở rộng mạnh mẽ sang mảng khách hàng tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt trong các dịch vụ cấu trúc tài chính, quản trị rủi ro, tư vấn nguồn vốn và chuyển đổi số. Thị phần khách hàng tổ chức của công ty tăng 250% so với năm 2023, đạt mức 6%.
Hai kịch bản cho thị trường năm 2025
Bước sang năm 2025, Chủ tịch VNDirect nhận định đây sẽ là “năm bản lề” với nhiều cơ hội tăng trưởng mới, khi thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn đến kỳ vọng nâng hạng, cùng thời điểm hệ thống KRX đi vào vận hành chính thức. Theo bà, đây là lúc doanh nghiệp cần một tâm thế vững vàng, một chiến lược thấu suốt và một đội ngũ đủ dũng cảm để bước tiếp.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định với sứ mệnh tạo lập một thị trường tài chính minh bạch, hiệu quả và bền vững; tiếp tục là nơi truyền cảm hứng tài chính cho hàng triệu người dân Việt Nam” - bà Hương nhấn mạnh trong phần cuối thông điệp.
Dự báo thị trường năm 2025, VNDirect cho rằng dù tự tin vào tăng trưởng kinh tế nội địa và triển vọng lợi nhuận thị trường, hiệu suất thị trường vẫn phần nào bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài khó lường. Khả năng cao Việt Nam sẽ được FTSE công bố nâng hạng trong năm 2025, nhưng các yếu tố bất định đến từ chính sách của ông Trump và lo ngại về tỷ giá vẫn còn hiện hữu.
Công ty đưa ra 2 kịch bản trong trường hợp EPS toàn thị trường tăng trưởng 17%. Ở kịch bản tích cực, Mỹ đạt được thỏa thuận thuế quan với Trung Quốc, Mỹ và Canada, đồng thời không áp thuế lên Việt Nam; Fed hạ 2 lần lãi suất 0,25%, chỉ số DXY dưới 102, tỷ giá ổn định và Việt Nam được nâng hạng vào tháng 9/2025, VN-Index có thể đóng cửa tại 1.670 điểm.
Ở kịch bản tiêu cực, Mỹ áp thuế cao đối với các quốc gia, Fed không cắt giảm lãi suất, thị trường không được nâng hạng, DXY trên 110 gây áp lực lên tỷ giá, VN-Index có thể đóng cửa ở mức 1.340 điểm.
>> VNDirect (VND) thu lãi trăm tỷ từ bán trái phiếu, 'ôm' 3 cổ phiếu ngân hàng