Không khó để có thể hình dung về mức độ của vụ án tại Địa ốc Alibaba. Thậm chí nhà đầu tư có thể nhận ra đâu đó bóng dáng của các vụ án nổi bật khác như vụ Thao túng thị trường chứng khoán của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC hay vụ án Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.
Từ vòng xoáy "kim tiền"
Sau gần 4 tháng nghiên cứu hồ sơ, Tòa án Nhân dân TP. HCM quyết định đưa vụ án Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch CTCP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm ra xét xử về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền". Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 12/8 đến 12/10/2022.
Nguyễn Huỳnh Tú Trinh - đối tượng cầm đầu trong vụ việc chống đối, đập phá xe cuốc của đoàn cưỡng chế dự án ma Alibaba năm 2019 bị phạt 4 năm 6 tháng tù về 2 tội gây rối trật tự công cộng
và cố ý làm hư hỏng tài sản.
Dẫn nguồn VnExpress, được biết đây là vụ án "phá vỡ nhiều kỷ lục từ trước đến nay" như: Hồ sơ có khoảng 500.000 bút lục (có thể chất đầy hơn 2 xe tải); gần 6.000 người tham gia tố tụng (hơn 4.360 bị hại và khoảng 1.500 người có quyền, nghĩa vụ liên quan)...
Để nghiên cứu hồ sơ trong 4 tháng, tòa phải thành lập tổ giúp việc gồm 4 phẩm phán và 4 thư ký.
Tòa đang lên kế hoạch giữ an ninh cho phiên xử "khủng" này, cũng như tránh ảnh hưởng đến thời gian của hàng nghìn người được triệu tập.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Minh Châu, đại diện VKS có 3 kiểm sát viên là Lê Thị Đông, Phạm Văn Hiển và Châu Hoàng Sơn.
Vụ án có 25 luật sư bào chữa cho các bị cáo, 2 người bảo vệ cho bị hại.
Trước đó, tại kết luận điều tra bổ sung của Công an TP. HCM ngày 14/11/2021, Công an TP. HCM đã kê biên 650 thửa đất có diện tích hơn 447 ha, tổng giá trị theo kết quả giám định gần nhất là hơn 1.500 tỷ đồng trong đó:
- 3 khu đất đứng tên địa ốc Alibaba và Nguyễn Tấn Lực (em trai Luyện) ở TP Thủ Đức tại TP. HCM;
- 234 thửa đất tại các huyện Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Long Thành, TP. Biên Hòa;
- 369 thửa đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu; 44 thửa đất ở Bình Thuận.
Được thành lập năm 2016 với ngành nghề kinh doanh chính là môi giới, kinh doanh bất động sản, Nguyễn Thái Luyện cùng Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (là anh em ruột) với tâm lý muốn giàu nhanh đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba và giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm đại diện theo pháp luật, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Cơ quan điều tra xác định, anh em, vợ chồng Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lập ra hàng chục pháp nhân công ty, dựng lên 58 dự án "ma" tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Nhóm này tự đặt tên, phân lô, tách thửa rồi quảng cáo bán.
Luyện và cấp dưới dùng chiêu huy động vốn theo hình thức đa cấp, sử dụng đất nền trong dự án không có thật làm mồi nhử. Khi bán cho các nạn nhân, Địa ốc Alibaba hứa hẹn mua lại đất nền giá cao hơn với lợi nhuận 30% chỉ sau một năm hoặc có lãi ngay sau khi mua và tăng dần theo thời gian.
Tổng cộng, có 4.100 khách hàng đã chuyển cho nhóm Luyện hơn 2.500 tỷ đồng.
Đến vòng lao lý...
Không khó để có thể hình dung về mức độ của vụ án xảy ra tại Địa ốc Alibaba. Thậm chí nhà đầu tư có thể nhận ra đâu đó bóng dáng của các vụ án nổi bật khác như vụ Thao túng thị trường chứng khoán của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hay vụ án liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm khiến cựu Chủ tịch Đỗ Anh Dũng và loạt "cận thần" bị bắt.
Khu đất thành viên Tân Hoàng Minh trúng đấu giá hơn 1 tỷ USD
mang ký hiệu 3-12
Điểm chung thứ nhất có thể chỉ ra là trước khi bị khởi tố, lãnh đạo các doanh nghiệp này đều đã thông qua việc chỉ đạo người thân tại các pháp nhân công ty để thực hiện các hành vi bẫy giá, "chim mồi" nhằm dẫn dụ nhà đầu tư (FLC thông qua Chứng khoán BOS, Alibaba lập ra loạt công ty con và Tân Hoàng Minh "Giật dây" 3 công ty con).
Tiếp đến là việc lãnh đạo các doanh nghiệp này đã thực hiện trót lọt các hành vi vi phạm trong một giai đoạn việc quản lý còn nhiều lỏng lẻo (Trịnh Văn Quyết từng bị xử phạt chứng khoán vì bán chui 57 triệu cổ phiếu năm 2017 với một mức phạt "gãi ngứa"; Địa ốc Alibaba, lãnh đạo công ty cũng từng bị phạt vì xây dựng dự án chui, vẽ dự án ma, cung cấp thông tin không đúng quy định,... các năm 2017, 2019 với mức phạt chỉ không đáng kể;...).
Một điểm chung khác và quan trọng hơn cả chính là quy mô và tác động của các vụ án này là rất lớn, gây hậu quả xấu cho hàng nghìn nhà đầu tư.
Với vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, hàng vạn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã chứng khiến tài khoản bay màu, mất lãi, thậm chí thua lỗ ngay sau khi sự vụ bán chui 75 triệu cổ phiếu FLC bị phát giác; nhóm cổ phiếu bất động sản, các cổ phiếu penny "ăn khách" rụng đỉnh hàng loạt và chìm sâu 30 - 60% chỉ trong 1 tháng ngắn ngủi sau đó.
Diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu năm 2022 đến nay
Với vụ án tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, thông tin tập đoàn này bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm hồi nửa cuối tháng 1/2022 đã ngay lập tức khiến nhóm cổ phiếu bất động sản lao dốc; nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi về sức khỏe của ông lớn phân khúc bất động sản hạng sang này. Kế đến là sự lây lan những hoài nghi về mục đích phát hành trái phiếu của hàng loạt doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán thời gian qua.
Mức độ nghiêm trọng của 2 dự án này thậm chí đã được lãnh đạo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Bí thư,... nhấn mạnh nhiều lần trong các phiên họp hay chương trình nghị sự Quốc hội.
Với vụ án tại Địa ốc Alibaba, sự việc loạt lãnh đạo nhóm này bị bắt khiến thị trường bất động sản phía Nam rúng động không chỉ ở số lượng bị hại mà còn thổi bùng nguy cơ "vỡ hụi" đầu cơ, lướt sóng đất nền vốn đang "lây lan" tại thời điểm năm 2019.
Ở cả 3 vụ án trên, dù khác nhau về cách phạm tội xong bản chất đều là các hành vi làm ăn chộp giật, phương hại đến nhiều nhà đầu tư cả trước, trong và sau sự việc (nhiều cổ đông FLC nói riêng hiện vẫn đang gồng lỗ trong khi nhóm nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh hay nhóm nhà đầu tư đặt cọc mua nền các dự án ma của Địa ốc Alibaba hiện vẫn chưa thể lấy lại được tiền).
Và... những câu chuyện nêu trên có thể sẽ chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều, nhất là khi xét trên quy mô và mức độ nghiêm trọng mà các vụ việc này để lại.
Vụ Địa ốc Alibaba: Cục Thi hành án TP.HCM sắp trả 2.400 tỷ đồng cho hơn 4.500 bị hại
Địa ốc Alibaba và quy trình 5 bước lừa đảo, "moi tiền" nhà đầu tư