Chục tỷ USD đầu tư công chờ giải ngân, Vinaconex tăng trần, Coteccons giảm sàn
Hàng chục tỷ USD đầu tư công chờ giải ngân và khoảng 45 tỷ USD tín dụng mới nửa cuối năm 2023 khiến nhiều cổ phiếu xây dựng, thép bứt phá. Đặc biệt là kỳ vọng Sân Bay Long Thành sẽ được khởi công trong tháng 8.
Sáng 24/7, cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) bất ngờ tăng kịch trần gần 7% lên 25.050 đồng/cp, dư mua tính tới 10h45 là hơn 1,9 triệu đơn vị. VCG đã tăng nhẹ nhiều phiên trước đó.
Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons có lúc giảm sàn. Cổ phiếu HBC sáng 24/7 chưa có giao dịch do bị hạn chế giao dịch từ 23/5. Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng thêm 2,71 điểm, lên 1.188,61 điểm.
Cú bứt phá bất ngờ của Vinaconex khiến nhiều người nói về khả năng trúng thầu gói thầu 5.10 dự án Sân bay Long Thành.
Theo công bố, có 3 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói thầu này gồm Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Liên danh Hoa Lư và Liên danh VIETUR.
Trong đó, Liên danh VIETUR do nhà thầu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, thành viên là các công ty thuộc hệ sinh thái Newtecons của "ông trùm" xây dựng Nguyễn Bá Dương (trước là Chủ tịch Coteccons) và Tổng công ty Vinaconex.
Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu. Liên danh Hoa Lư do nhà thầu Việt Nam Coteccons đứng đầu, trong đó có Xây dựng Hòa Bình (HBC) của ông Nguyễn Viết Hải.
Thông tin về người trúng gói thầu trị giá hơn 35.000 tỷ đồng chưa được công bố. Nhưng đây là yếu tố khiến nhiều người kỳ vọng vào một số cổ phiếu hạ tầng niêm yết trên thị trường như VCG, CTD, HBC…
Với tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách Sân bay Long Thành dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 8/2023.
Cuối tháng 6, Vinaconex trúng gói thầu hơn 1.800 tỷ đồng tại dự án Vành đai 4 (thời gian thực hiện 3 năm). Vinaconex đã đưa vào sử dụng 3 gói thầu lớn tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng giá trị hơn 8.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp này đang triển khai một số gói thầu lớn tại dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2. Cổ phiếu VCG tăng mạnh, từ mức 17.500 đồng hồi giữa tháng 5 lên mức 25.500 đồng/cp như hiện tại.
Trái ngược với VCG, cổ phiếu Coteccons (CTD) giảm mạnh. Sáng nay, CTD có lúc giảm sàn xuống 73.700 đồng/cp. Tới 11h, CTD còn giảm 4.400 đồng xuống 74.800 đồng/cp.
Các phiên gần đây, cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhiều thời điểm tăng giá và hướng trở lại ngưỡng 10.000 đồng/cp, trong bối cảnh doanh nghiệp đón tin xấu. Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đưa cổ phiếu này vào diện cảnh báo, từ ngày 13/7 vì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 là số âm.
Gần đây, nhiều cổ đông của Xây dựng Hòa Bình và Coteccons kỳ vọng, các doanh nghiệp này liên danh tham gia gói thầu trị giá 35.000 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD) của sân bay Long Thành.
Tuy nhiên, Xây dựng Hòa Bình do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch bị nghi ngờ không đủ năng lực tài chính tham gia gói thầu này. Xây dựng Hòa Bình có thể còn khó khăn sau cuộc nội chiến kéo dài từ cuối năm trước.
Kỳ vọng dòng vốn chục tỷ USD nửa cuối năm
Nhiều cổ phiếu ngành đầu tư công hay liên quan như Vinaconex, Coteccons, HHV, C4G, LCG, HPG, TCD, ELC, ITD… được kỳ vọng hưởng lợi khi vốn đầu tư công dự kiến giải ngân nửa cuối năm 2023 rất lớn. Bên cạnh đó còn hàng chục tỷ USD vốn tín dụng từ ngân hàng.
Theo kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là 711.000 tỷ đồng, tức còn khoảng 495.000 tỷ đồng (tương đương gần 21 tỷ USD) nữa sẽ được giải ngân trong 6 tháng cuối năm.
Dựa trên hạn mức tăng trưởng tín dụng mới (14% mà NHNN đưa ra vào ngày 10/7), khoảng 1.081.000 tỷ đồng (45 tỷ USD) tín dụng mới phải được giải ngân trong nửa cuối 2023, tương đương mức trung bình khoảng 180.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Ngoài Vinaconex, một doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công là CTCP Cienco 4 (C4G).
Tập đoàn Hoà Phát (HPG) của Chủ tịch Trần Đình Long cũng được kỳ vọng sẽ bứt phá nếu đầu tư công được giải ngân nhanh. Cổ phiếu HPG tăng liên tục trong nhiều tháng qua, từ mức 11.000 đồng/cp hồi tháng 11/2022 lên mức 28.450 đồng/cp như hiện tại.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp ngành thép là nhóm được hưởng lợi nếu các dự án hạ tầng xây dựng được đẩy mạnh. Trong đó, Hòa Phát là doanh nghiệp thường hưởng lợi nhiều nhất nhờ thị phần thép lớn nhất Việt Nam cùng lợi thế cạnh tranh.
Dù vậy, nhóm cổ phiếu hạ tầng được dự báo có thể chưa thể tăng lợi nhuận trong ngắn hạn. Nguyên nhân do đặc thù ngành xây dựng hạ tầng với biên mỏng và các khoản phải thu cao. Đa số sử dụng đòn bẩy tài chính cao và chịu áp lực chi phí tài chính tăng trong môi trường lãi suất cao.
Theo SSI Research, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của các công ty xây dựng hạ tầng thường ở mức tương đối thấp trong khi mức định giá P/E và P/B của các cổ phiếu xây dựng đã vào vùng cao so với định giá trong quá khứ, phản ánh kì vọng về tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Dù vậy, lượng tiền chục tỷ USD sẽ giúp nhiều doanh nghiệp hưởng lợi.
Các doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thường là đơn vị đầu ngành, có tiềm lực tài chính đủ mạnh (quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu), có lợi thế cạnh tranh; kinh nghiệm tham gia các dự án xây dựng hạ tầng trọng điểm, hàm lượng kĩ thuật cao.
Đơn cử như VCG, HHV, C4G, LCG…đã trúng thầu/được chỉ định thầu tham gia xây dựng các hợp phần của cao tốc Bắc - Nam hay các công trình giao thông khác.
Việt Nam đặt mục tiêu có khoảng hơn 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 (tăng so với mức 1.729km vào giữa năm 2023). Với giả thiết suất đầu tư 1km đường cao tốc ở Việt Nam khoảng 14 triệu USD/km (ước tính của bộ GTVT, chưa tính trượt giá), tổng số vốn đầu tư hơn 1.200 km đường cao tốc này sẽ là hơn 400.000 tỷ đồng.
Liên danh Vinaconex (VCG) trúng gói thầu hàng trăm tỷ đồng tại TP. HCM
Vinaconex, Đèo Cả, CII tỏa sáng sau 9 tháng, triển vọng nhóm hạ tầng năm 2025 ra sao?