CTCP Chứng khoán Everest (Mã EVS - HNX) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 với sự đi xuống cả về doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, doanh thu hoạt động trong quý 3/2022 của Chứng khoán Everest đạt gần 88 tỷ đồng - giảm 69,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó lãi từ bán các tài sản tài chính FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu hoạt động của công ty với 40,5 tỷ đồng - giảm 80,8%; thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 16,7 tỷ đồng - giảm 53,7%.
Ngược lại, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của Chứng khoán Everest trong quý III tăng 10% lên 27 tỷ đồng và thu từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 1,5 tỷ đồng - gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động của Chứng khoán Everest ghi nhận 259 tỷ đồng trong quý này - tăng 14,6% YoY trong đó lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL tăng lên mức 224,8 tỷ đồng - chủ yếu đến từ việc đánh giá lại.
Sau trừ các khoản thuế phí, Chứng khoán Everest báo lỗ trước thuế 187,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 33,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 146 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 27 tỷ. Đáng nói, đây cũng là mức lỗ cao nhất kể từ khi doanh nghiệp đổi tên đồng thời cũng là quý lỗ đầu tiên kể từ đầu năm 2020.
Danh mục đầu tư tự doanh của Chứng khoán Everest ghi nhận
tại BCTC quý 3/2022
Trở lại với danh mục đầu tư của Chứng khoán Everest, tại thời điểm cuối tháng 9, giá trị sổ sách của danh mục FVTPL hơn 999 tỷ đồng và giá trị thị trường là 1.011 tỷ đồng. So với thời điểm cuối tháng 6, danh mục tự doanh của Everest giảm với cổ phiếu và tăng với trái phiếu.
Cụ thể, giá gốc khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết giảm từ 624,9 tỷ đồng xuống còn 424,1 tỷ đồng. Lý do công ty đã bán hạ tỷ trọng với các cổ phiếu ACB, OGC. Giá vốn cổ phiếu ACB giảm từ 221,2 tỷ đồng còn 123,8 tỷ đồng. Tiền đầu tư vào OGC cũng giảm từ 72,3 tỷ đồng còn 21,7 tỷ đồng.
Cổ phiếu NVB chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư. Chứng khoán Everest nắm giữ gần 14,4 triệu cổ phiếu NVB với giá vốn 273,3 tỷ đồng.
Được biết tại thời điểm 30/6, lô cổ phiếu NVB này có giá trị trường 465,7 tỷ đồng - tương đương mức lãi 192,4 tỷ đồng song đến ngày 30/9, khoản đầu tư này đang lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Quý 3 vừa qua, khối tự doanh EVS đã bán toàn bộ các cổ phiếu như VHM, HPG, FPT, VIB, SSI, MSB, PVT và VIC.
Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của Chứng khoán Everest ở mức 2.484 tỷ đồng - giảm 236 tỷ đồng so với cuối quý 2. Dư nợ cho vay margin giảm từ 974,8 tỷ đồng (tại ngày 30/6) xuống còn hơn 631 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt cũng giảm từ 205 tỷ đồng xuống mức 74 tỷ; nợ phải trả của EVE giảm hơn một nửa về còn 643 tỷ đồng trong đó có khoản vay tài chính ngắn hạn 315 tỷ và 239 tỷ đồng vay nợ trái phiếu - giảm tới 670 tỷ so với thời điểm đầu năm.
Xem thêm các bài viết liên quan đến chủ đề: #chứng khoán #diễn biến thị trường chứng khoán #thông tin giao dịch #mua bán cổ phiếu #xử phạt chứng khoán #nhận định thị trường chứng khoán #ý kiến chuyên gia #xu hướng dòng tiền #kiến thức đầu tư chứng khoán #bảng lãi suất cho vay margin #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh quý III/2022 #phân tích cổ phiếu
Thế giới Di động làm gì khi gần 60.000 nhân viên nghỉ việc?
Một doanh nghiệp tại Thanh Hóa có gần 12.000 tỷ đồng lãi vay quá hạn thanh toán