Tính riêng trong quý II/2022, VN-Index giảm 294,55 điểm (-19,74%) so với cuối quý I; HNX-Index giảm 38,34%; UPCoM-Index giảm 26,88%.
Trong những ngày đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có những diễn biến tích cực và đạt mức đỉnh lịch sử mới. Tuy nhiên, ngay sau đó, trước những diễn biến kinh tế - chính trị phức tạp, thị trường đã trải qua nhịp điều chỉnh giảm mạnh kể từ đầu tháng 4 tới nay, hiện đã giảm hơn 20% từ đỉnh.
Tính riêng trong quý II/2022, VN-Index giảm 294,55 điểm (-19,74%) so với cuối quý I; HNX-Index giảm 38,34%; UPCoM-Index giảm 26,88%.
Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng có sự đi xuống rõ rệt. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong nửa đầu năm 2022 đạt 25.673 tỷ đồng/phiên - giảm 14,8% so với nửa cuối năm ngoái trong đó giá trị khớp lệnh bình quân giảm 15,2% xuống 23.677 tỷ đồng.
Nếu chỉ tính riêng quý II, giá trị giao dịch bình quân giảm đến 34,2% xuống 20.525 tỷ đồng/phiên trong đó giá trị khớp lệnh bình quân đạt chỉ 18.654 tỷ đồng/phiên - giảm 35,8%.
Có thể thấy trong khoảng 3 tháng gần đây, thị trường đã liên tục biến động theo chiều hướng tiêu cực trước hàng loạt các thông tin bên ngoài tác động như chiến tranh Nga - Ukraine, Fed tăng lãi suất, lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu tăng cao, các biện pháp cứng rắn nhằm tăng sự minh bạch trên thị trường,...
Việc thị trường biến động tiêu cực đã khiến hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc, nhiều mã cổ phiếu đã mất trên 60% và lùi xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng thị giá.
Theo dữ liệu của FiinPro, trên cả 3 sàn giao dịch đến hết phiên 28/6 có tổng cộng 528 mã cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá trong đó 56 mã có khối lượng khớp lệnh bình quân 3 tháng đạt trên 500.000 đơn vị/phiên.
Trong danh sách trên, 218 cổ phiếu ở trên mệnh giá vào thời điểm 6/1 nhưng hiện tại đã về dưới mốc này.
Rất nhiều các "hệ sinh thái" từng "làm mưa làm gió" trên thị trường trong năm 2021 như Louis Holdings, Trí Việt, FLC,... đều dần quay trở về mức giá cũ khi liên tục lao dốc.
Có thể thấy, thị trường đã có cú rơi rất nhanh từ đầu tháng 4 đến nay và dù đã mất hơn 20% trong đó nhiều cổ phiếu đã giảm trên 50% nhưng có vẻ thị trường vẫn chưa xác định đáy trung hạn. VN-Index hiện đang giao dịch ở quanh mức P/E trailing khoảng 12 - 13 lần và mức P/B khoảng 1.99.
Đánh giá về định giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nhấn mạnh: "Dĩ nhiên về định giá thì giá rẻ và thấp hơn trước đây nhưng với xu hướng hiện nay, cơ hội ngày mai vẫn có thể tốt hơn hôm nay và tuần sau có thể tốt và rẻ hơn tuần này. Vì thế, rẻ thì có rẻ nhưng cơ hội vẫn còn nhiều ở phía trước.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cho rằng, nếu có cái nhìn trung hạn thì thị trường hiện tại đã đủ hấp dẫn ở một số ngành có mức định giá PE lần P/B ở mức thấp so với lịch sử cổ phiếu.
Ở đây, chúng ta cũng đã dự phóng loại trừ bối cảnh kinh tế không khả quan và sự tăng trưởng doanh nghiệp chậm lại trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên ở từng thời điểm, định giá cổ phiếu sẽ không đóng khung ở vùng nào gọi là rẻ vì vẫn có thể rẻ hơn nhiều lần nếu sự bi quan của nhà đầu tư với thị trường tăng lên.
Do các biến số vĩ mô, chính trị thế giới còn nhiều biến động bất ngờ vì vậy chúng ta vẫn phải chờ các tín hiệu từ thị trường quốc tế lẫn hoạt động doanh nghiệp trong chu kỳ 6 tháng cuối năm để có thể tìm điểm định giá phù hợp nhất với thị trường hiện tại".
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, P/E của VN-Index đang giảm về lại mức của tháng 5/2020 - thấp hơn mức P/E TTM trung bình từ 2016 và cũng là mức định giá thấp so với các thị trường trong bối cảnh lạm phát của kinh tế Việt Nam vẫn ở mức rất thấp.
Ngoài ra, thị trường đã có mức chiết khấu lớn trên 20% - mức chiết khấu thường xảy ra ở các giai đoạn đầu của việc Fed tăng lãi suất cho nên có thể thấy mức định giá hiện tại đang rất thấp và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, thị trường chứng khoán đã giảm về mức chiết khấu hợp lý và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư giá trị. Nhiều cổ phiếu lại có diễn biến giảm giá về mức giá hấp dẫn thấp hơn cả mức định giá giá trị sổ sách và kể cả giảm dưới mức giá trị thanh lý. Cơ hội chọn lọc cổ phiếu mua vào hiện nay là hiện hữu.
Dòng tiền thận trọng kéo VN-Index vượt 1.230 điểm, nhóm trụ bị bán trở lại
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm