Chứng khoán trồi sụt bất thường: ‘Đừng để ngọt ngào tới mấy cũng tan thành mây’

24-11-2023 14:36|Khúc Văn

Sự trồi sụt bất thường của thị trường chứng khoán với những pha “đánh úp” trong các phiên ATC gần đây đã khiến các nhà đầu tư lo ngại thành quả ngọt ngào của họ trong các phiên trước đó sẽ… “tan thành mây”.

“Bất lực" là từ có thể diễn tả rõ nhất về trạng trái của nhà đầu tư trong những phiên ATC bị “đạp mạnh”, bởi chỉ trong vòng 15 phút ngắn ngủi cuối phiên, áp lực bán không hiểu từ đâu tới có thể nhấn chìm VN-Index trong “biển lửa đỏ”, khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ không kịp “thoát hàng”.

Phiên ATC, ATO dễ bị làm giá

Thị trường chứng khoán lao dốc rất mạnh vào cuối phiên 23/11, khiến VN-Index rớt 25 điểm về 1.088 điểm. 30 mã trên sàn HoSE giảm kịch sàn, tập trung ở nhóm chứng khoán và bất động sản.

Những bất cập của phiên ATC cũng là tâm điểm chỉ trích của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ khi thời gian gần đây, liên tục các phiên ATC lao dốc khiến nhà đâu tư chỉ biết đứng nhìn tài khoản bốc hơi.

Đáng nói, thời gian gần đây, liên tục các phiên ATC giảm điểm mạnh đã khiến nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ hoang mang khi chỉ biết đứng nhìn tài khoản của mình bốc hơi.

Nhận định về thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại, TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng thị trường đang trong giai đoạn đi ngang và trồi sụt trong một biên độ nhất định cho thấy tâm lý bất ổn của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại, họ chần chừ trong quyết định nên tham gia vào bên nào của thị trường.

“Đồng thời, thị trường chứng khoán cũng thiếu yếu tố dẫn dắt để đi theo một xu hướng rõ ràng. Bên cạnh đó, những thông tin xấu tốt lẫn lộn cũng khiến cho nhà đầu tư hoang mang và dễ bị chi phối bởi các đội lái trên thị trường”, ông Huân nói.

Về phiên ATC, ông Huân cho rằng nên bỏ phiên này vì các phiên ATC và ATO rất dễ bị làm giá, cũng như lèo lái thị trường theo ý của các nhà lũng đoạn thị trường bởi họ có số vốn lớn. Đồng thời, việc tạo cung cầu ảo trong các phiên này cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến họ phải bán tháo theo tạo nên sự sụt giảm mạnh của thị trường.

“Do đó, nên loại bỏ các phiên khớp lệnh định kỳ và chỉ còn khớp lệnh liên tục thì sẽ phù hợp với cung cầu thị trường hơn. Ngoài ra, để xác định giá tham chiếu cho phiên sau thì chúng ta có thể dùng giá trung bình trong toàn bộ phiên ngày hôm trước để làm cơ sở giá tham chiếu”, ông Huân nói.

Chứng khoán trồi sụt bất thường: ‘Đừng để ngọt ngào tới mấy cũng tan thành mây’
Ông Nguyễn Minh Cường, Nguyên chuyên gia kinh tế trưởng quốc gia ở Việt Nam của ADB.

Về sự trồi sụt của thị trường chứng khoán trong các phiên gần đây, ở góc nhìn dài hạn hơn, ông Nguyễn Minh Cường, Nguyên chuyên gia kinh tế trưởng quốc gia ở Việt Nam của ADB cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ các chính sách ngắn hạn khi ứng phó với khủng hoảng.

Nhìn lại bối cảnh, trong những năm gần đây, khủng hoảng diễn ra thường xuyên hơn. Khi kinh tế thế giới vẫn đang chao đảo vì COVID-19, xung đột Nga-Ukraine lại bồi thêm một cú sốc lớn vào sự phục hồi vốn đã rất yếu. Ứng phó chính sách lại một lần nữa phải ưu tiên cho các biện pháp ngắn hạn tập trung vào phục hồi chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, và ứng phó với lạm phát tăng cao.

“Như vậy là trong suốt ba năm, các nền kinh tế chỉ xoay quanh các biện pháp chính sách đối phó ngắn hạn và dường như các ưu tiên trung và dài hạn bị gạt sang một bên”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, câu chuyện tương tự xảy ra với Việt Nam. Nền kinh tế đã bước vào quý IV, và phản ứng chính sách cũng chỉ vẫn quanh quẩn quanh câu chuyện liệu tăng trưởng quý này ra sao, liệu có thể giúp đạt 6,5% như Quốc hội đề ra hay không, liệu cuộc họp tháng tới FED có tăng lãi suất không? Báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp quý này ra sao, chỉ số PMI tháng này lại dưới 50, liệu ngày mai tỉ giá VND/USD có vượt ngưỡng 24,600 hay không…

“Kết quả là thị trường cổ phiếu, tỉ giá, chao đảo xung quanh các số liệu, sự kiện, và dự báo theo quý, theo tháng, và thậm chí theo tuần, châm ngòi cho sự bất an về tâm lý, để từ đó dẫn tới hàng loạt những quyết sách đuổi theo biến động của thị trường như thay đổi nghị quyết này, hay ra mới thông tư nọ. Các chính sách dường như mất sự định hướng trung và dài hạn, dẫn tới thiếu nhất quán, đó là chưa kể việc thực hiện chậm trễ lại là một câu chuyện hoàn toàn khác”, ông Cường nói.

Nhà đầu tư nên quản trị rủi ro như thế nào?

Về giải pháp chính sách cho dài hạn, để thị trường phục hồi bền vững, ông Cường cho rằng trong bối cảnh “bất bình thường mới” này, nếu chính sách chỉ chạy theo phản ứng ngắn hạn, sẽ mất định hướng, kém hiệu quả, và không nhất quán.

“Do vậy, cần từ bỏ tư duy chính sách ngắn hạn, không chạy theo những biến động và con số và sự kiện trước mắt, mà mất phương hướng trung và dài hạn”, ông Cường nói.

Về việc đưa ra các khuyến nghị để quản trị rủi ro cho nhà đầu tư, TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM nói rằng hiện nay hơn 90% nhà đầu tư trên thị trường là các nhà đầu cơ, tham gia thị trường với mong muốn giàu nhanh, có thể x2, x3 tài khoản trong một thời gian ngắn. Chính kỳ vọng này dẫn đến việc các nhà đầu tư trở nên mạo hiểm hơn và bất ổn hơn khi thị trường chuyển biến không theo kỳ vọng, dẫn đến việc bán tháo và thua lỗ nặng.

“Chính vì thế, các nhà đầu tư nên rời khỏi thị trường ngay nếu như vẫn giữ kỳ vọng lớn như vậy. Bởi vì thị trường sinh ra bởi lòng tham và chết đi bởi nỗi sợ hãi. Khi chúng ta bị lòng tham và nỗi sợ hãi chi phối thì chúng ta sẽ luôn mất tiền cho Mr Market (ngài thị trường). Bởi vì thị trường không phải là nơi đẻ ra tiền hay tự in ra tiền như chúng ta vẫn nghĩ. Nếu như tham gia với tư cách nhà đầu cơ trong ngắn hạn thì rõ ràng phần lời của người này sẽ là phần mất của người khác, và nó là một trò chơi có tổng bằng 0, còn nếu tính cả phí giao dịch thì đó là trò chơi mà chúng ta được ít hơn và mất nhiều hơn cái chúng ta đáng có”, ông Huân nói.

Lời khuyên của Huân cho nhà đầu tư trong bối cảnh này là hãy quên đi sự biến động giá trong ngắn hạn, quên ngay thị trường đi (như Benjamin Braham đã nói), nếu không quan tâm vào giá cả trong ngắn hạn, chúng ta sẽ không bị các thế lực đội lái chi phối tâm lý, cũng không bị các thông tin giả gây nhiễu loạn và càng không bị tâm lý bầy đàn, FOMO.

“Chúng ta chỉ cần nghiên cứu những mã cổ phiếu của các công ty có giá trị nội tại tốt, đầu tư vào chính công ty chứ không phải đầu cơ nhằm hưởng chênh lệch giá. Và lợi nhuận của công ty, thu nhập của công ty chính là thu nhập của chúng ta từ việc nắm giữ cổ phiếu đó trong dài hạn.

Nếu muốn thử vận may thì tốt hơn hết là nên mua vài tờ vé số còn hơn là tham gia vào thị trường chứng khoán. Đừng bao giờ xem thị trường là một canh bạc, bởi canh bạc thì chỉ có nhà cái mới chiến thắng mà thôi.

Khi và chỉ khi nhà đầu tư nắm rõ điều này thì mới có thể bảo vệ các thành quả, để thành tựu chứng khoán trở thành kết quả ngọt ngào chứ không tan thành mây”, ông Huân nhấn mạnh.

>>Lý do khiến VN-Index giảm mạnh phiên ATC ngày 23/11?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-troi-sut-bat-thuong-dung-de-ngot-ngao-toi-may-cung-tan-thanh-may-212451.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chứng khoán trồi sụt bất thường: ‘Đừng để ngọt ngào tới mấy cũng tan thành mây’
POWERED BY ONECMS & INTECH