Chuyện của cổ phiếu ngân hàng...

25-04-2022 09:28|Ba Lỗ

Dù được giới phân tích kỳ vọng lớn, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thể bứt phá, thậm chí có những mã càng được kỳ vọng nhiều càng điều chỉnh mạnh. Đây cũng chính nhà nhân tố khiến cho VN-Index lao dốc trong nhiều phiên gần đây.

Trong tuần giao dịch từ 18 - 22/4/2022, cổ phiếu ngân hàng cũng bị bán mạnh trong diễn biến tiêu cực chung của thị trường. Nhóm cổ phiếu này chìm trong sắc đỏ trong 3 phiên đầu tuần và có dấu hiệu phục hồi trong 2 phiên gần đây.

Trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán, chỉ 1 mã đóng cửa tuần này tăng giá là VCB với mức tăng 2,5%. Cổ phiếu này tăng mạnh gần 5% trong phiên 22/4 và trở thành "công thần" giúp VN-Index có được phiên tăng giá duy nhất trong tuần này.

Trong khi đó, 26 cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ và hàng loạt mã giảm trên 10% như SHB (-15,7%), LPB (-15,4%), BVB(-12,4%), VAB (-11,2%), SGB (-11%), VBB (-10,1%).

SHB và LPB cùng giảm sàn trong phiên 19/4/2022. Đóng cửa tuần này, giá cổ phiếu LPB chỉ còn 16.700 đồng/cp - thấp nhất trong 1 năm. Tương tự, SHB xuống còn 16.400 đồng/cp - thấp nhất 1 năm.

Nhiều cổ phiếu lớn cũng "bốc hơi" mạnh như CTG (-5,2%), MBB (-4,5%), VPB (-4,4%), TCB (-3,3%),…

vcb2.png

Đánh giá về nhóm ngân hàng, ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên viên phân tích cấp cao của CTCP Chứng khoán Nhất Việt cho rằng cổ phiếu bank là các mã có nền tảng tăng trưởng tốt. Nhà đầu tư vẫn nên duy trì niềm tin vào các doanh nghiệp tốt.

Theo thống kê, xét chung về dòng bank thì đây là nhóm có lợi nhuận forward cho năm 2022 ở mức vượt trội so với thị trường, quanh mức 20 – 23% - cao hơn so với mức bình quân của thị trường là 15%.

Trước đó, báo cáo của Dragon Capital cũng chỉ ra kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ vào khoảng 15%, trong đó nhóm ngân hàng sẽ tăng trung bình từ 20 - 25%.

Còn với trường hợp của Techcombank với việc đặt lợi nhuận ở mức 16,2% là hơi thấp so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong ngành. Gần đây những thông tin kém tích cực liên quan đến thị trường trái phiếu mà nhà băng này luôn giữ Top 1 về thị phần môi giới trái phiếu, có thể vì lẽ đó TCB là cổ phiếu đầu tiên phá đáy đi xuống và đang tìm về các điểm cân bằng mới.

"Thực tế, cổ phiếu TCB có nền tảng cơ bản tốt, hiện nay với góc nhìn của tôi thì TCB đang là cổ phiếu bị định giá thấp. Do đó, đây là một trong những mã rất đáng quan tâm trong trung và dài hạn", ông Hoàng khẳng định.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng, mức tăng trưởng của ngân hàng còn hơi thấp bởi năm ngoái tăng trưởng toàn bộ thị trường bình quân trên 35% và những nhóm ngành trụ, đặc biệt các nhóm VN30, VN100 là khoảng 40% cho nên mức 20% ở năm nay đã là một mức khá thận trọng.

Theo ông Bảo, điểm rơi của nhóm ngân hàng không vào quý IV mà sẽ vào quý II, quý III hàng năm. Năm ngoái, ngành ngân hàng đã có quý II vô cùng ấn tượng, các cổ phiếu tăng rất mạnh, dẫn dắt toàn bộ thị trường để phá các đỉnh lịch sử.

Sắp tới, khi mùa đại hội cổ đông diễn ra, kết quả ngành ngân hàng được dự báo cũng sẽ cực kỳ khả quan. Hầu hết các công ty đều đặt ra kế hoạch tăng trưởng trên 30% - mức khá cao so với mặt bằng chung của thị trường.

Để cổ phiếu dòng bank có thể trở lại với vai trò dẫn dắt thị trường, theo ông Hoàng, thị trường muốn đi lên bắt buộc phải có sự đồng thuận của nhóm ngân hàng vì đây là ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường. Việc kéo dài thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 là một tin tốt. Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng đang rất tốt trong quý I - khoảng hơn 5%, tương đương khoảng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

"Tôi cho rằng nhóm bank đang có động lực tăng trưởng rất tốt trong năm 2022 - chủ yếu đến từ mảng tín dụng do sự hồi phục của nền kinh tế và nhu cầu hấp thụ tín dụng đang ở mức cao", ông Hoàng đánh giá.

Trong khi đó, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) lại cho rằng: "Khi bước vào chu kỳ hồi phục thì giai đoạn đầu những nhóm cổ phiếu liên quan đến nhóm ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán là những nhóm ngành thu hút dòng tiền nhiều nhất và có khả năng tăng mạnh nhất.

Tuy nhiên giai đoạn tiếp theo, tiến đến ổn định và tăng trưởng thì những nhóm ngành như tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, vận tải, là nhóm tiếp theo ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ. Đó là sự chuyển dịch của dòng tiền cũng như tính chu kỳ của nhóm ngành. Tất nhiên nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục là bệ đỡ trong giao dịch, nhưng nó sẽ không phải là leading indicators trong bối cảnh chuyển dịch của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng".

Một cổ phiếu xây dựng tăng trần 7 phiên liên tiếp trước ngày đấu giá trọn lô cổ phần của SCIC

Doanh nghiệp làm du lịch nghỉ dưỡng có 68.000 tỷ đồng tài sản, ghi dấu ấn tuyển dụng với 14.000 nhân sự

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-cua-co-phieu-ngan-hang-125250.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyện của cổ phiếu ngân hàng...
    POWERED BY ONECMS & INTECH