Chuyện của thị trường chứng khoán thời ông Lê Hải Trà ngồi ghế Tổng Giám đốc HOSE

18-05-2022 22:01|Lan Phương

Sau chuỗi giảm 6 tuần liên tiếp kể từ đầu tháng 4/2022, VN-Index đã "thủng mốc" 1.200 điểm (phiên 13/5), chính thức xác lập "kỷ lục buồn" với mức giảm mạnh nhất lịch sử.

Những "lùm xùm" của thị trường từ khi ông Trà ngồi "ghế nóng" của HOSE

Hệ thống nghẽn lệnh

Ngày 26/2/2021, căn cứ quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Lê Hải Trà thôi giữ chức Thành viên Hội đồng quản trị HOSE và được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc HOSE.

Đáng chú ý, ông Lê Hải Trà được Bộ Tài chính bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc HOSE trong bối cảnh bị nhà đầu tư chỉ trích, bức xúc khá nhiều liên quan đến câu chuyện hệ thống nghẽn lệnh chưa được khắc phục triệt để khiến nhà đầu tư thiệt hơn thiệt kép khi không thể đặt được lệnh mua vào hay bán ra.

Trong bối cảnh đó, trên facebook cá nhân mang tên Lê Hải Trà được cho là của vị lãnh đạo này, lại đăng một nội dung gây nhiều tranh cãi, “mát mẻ” nhà đầu tư: “Anh bảo này, lúc chúng mày rùng mình có gọi anh không?”. Mổ xẻ về nội dung này trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà dầu tư cho rằng, việc đăng một status thiếu văn hóa như vậy không phù hợp với vị trí một lãnh đạo Sở Giao dịch. “Đường đường đứng đầu một Sở Giao dịch Chứng khoán mà phát ngôn trên faceook như vậy”, “Nếu không làm hệ thống tốt hơn thì ít nhất anh cũng nên tốt hơn chứ”. Đó là một vài bình luận trên các diễn đàn mạng xã hội của các nhà đầu tư chứng khoán.

Sau đó, để giải quyết vấn đề nghẽn lệnh, ông Trà đề xuất phương án nâng lô giao dịch tối thiểu trên HOSE từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu. 

Theo ông Trà, "việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp".

Tuy nhiên giải pháp này vấp phải nhiều sự phản đối kịch liệt của nhà đầu tư, và cho đến thời điểm hiện tại (ngày 18/5/2022), lô giao dịch tối thiểu trên HOSE vẫn giữ nguyên mức 100 đơn vị.

Phiên giao dịch để đời của ông Trịnh Văn Quyết

Tháng 3/2022, thị trường chứng khoán rúng động về việc cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để điều tra, xác minh về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trùng hợp, cũng trong giao dịch ngày 10/1,phiên giao dịch "để đời" của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC, cụm từ "rút phích" lại một lần nữa là từ khóa được nhắc tới ở nhiều diễn đàn chứng khoán khi xuất hiện sự cố mất ổn định tạm thời của hệ thống Gateway (hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán) tại HOSE. Mặc dù thời gian không dài, nhưng không ít nhà đầu tư cho biết, họ không kịp trở tay với diễn biến này. 

Cũng trong tháng 1/2022, trên các trang mạng xã hội đã lan truyền tin đồn về việc ông Lê Hải Trà đã bị cơ quan công an bắt. Ngay sau thông tin này, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ra thông báo khẳng định, đó là thông tin bịa đặt.

Tại thời điểm đó, ông Lê Hải Trà với vai trò là Tổng Giám đốc HOSE đã chia sẻ với báo giới cho rằng, thao túng thị trường luôn là nguy cơ tiềm ẩn tại bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới. Thông lệ chung của cách thức ngăn chặn việc thao túng thị trường chứng khoán là bộ máy quản lý, giám sát thị trường chứng khoán có đủ thẩm quyền và quy định pháp luật xử lý vi phạm nghiêm khắc, từ dân sự đến hình sự.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra, với vai trò là Tổng giám đốc HOSE, có hay không trách nhiệm của ông Lê Hải Trà khi để những sự việc kể trên này xảy ra?

Mới đây, một kết luận đã phần nào làm sáng tỏ trách nhiệm của mỗi bên khi để tình trạng như hiện nay. Trong kỳ họp thứ 15 vừa diễn ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khai trừ Đảng đối với ông Lê Hải Trà; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Trần Văn Dũng, và quyết định hình thức kỷ luật với nhiều cán bộ trong lĩnh vực chứng khoán. Xem chi tiết tại: Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà bị khai trừ ra khỏi Đảng

Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua

Kể từ sau vụ bê bối về loạt lãnh đạo doanh nghiệp thao túng thị trường và Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ 9 lô trái phiếu trị giá gần 10.000 tỷ đồng, VN-Index giảm 6 tuần liên tiếp, chính thức thủng mốc 1.200 điểm vào phiên 13/5/2022. Đây cũng là lần đầu tiên VN-Index xuống dưới 1.200 điểm sau hơn 13 tháng kể từ phiên 31/3/2021.

Trong lịch sử 22 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã chứng kiến 11 lần VN-Index giảm liên tiếp 6 tuần trở lên. Lần gần nhất VN-Index giảm 6 tuần liên tiếp là vào giai đoạn 12/9-21/10/2011 với mức giảm 10,6%. 

Thống kê cho thấy chuỗi giảm lần này có mức độ khốc liệt hàng đầu dù thời gian chưa phải dài nhất. Rơi sốc từ vùng đỉnh lịch sử, không bất ngờ khi VN-Index ghi nhận mức giảm kỷ lục chưa từng có tính theo số tuyệt đối (333,67 điểm). Con số này thậm chí còn lớn hơn cả điểm số của VN-Index trong nhiều giai đoạn trong quá khứ.

Chỉ đến phiên 17/5 vừa qua, thị trường chứng khoán mới cho thấy sự khởi sắc khi VN-Index  tăng 56,42 điểm (4,81%) lên lại mốc 1.228,37 điểm. Kết phiên giao dịch hôm nay (18/5) thị trường tiếp tục lấy lại được khoảng 12 điểm.

50 người bị truy tố trong vụ Trịnh Văn Quyết lừa NĐT 3.600 tỷ đồng, có 4 lãnh đạo HoSE

Ông Lê Hải Trà bị truy tố: Cú úp 3.600 tỷ và hội nhóm thời Trịnh Văn Quyết

Ông Lê Hải Trà và giai đoạn nóng rẫy, ồn ào trên thị trường chứng khoán

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-cua-thi-truong-chung-khoan-thoi-ong-le-hai-tra-ngoi-ghe-tong-giam-doc-hose-126484.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chuyện của thị trường chứng khoán thời ông Lê Hải Trà ngồi ghế Tổng Giám đốc HOSE
POWERED BY ONECMS & INTECH