Vĩ mô

Chuyên gia: “Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường là chưa thuyết phục'

Khúc Văn 12/07/2024 - 14:39

Chuyên gia cho rằng, việc Bộ Tài chính lấy lí do gây béo phì để áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường là chưa thuyết phục, bởi sản phẩm này không phải nguyên nhân chính và duy nhất dẫn đến tình trạng trên.

Lý do áp thuế không thuyết phục

Trong dự thảo mới nhất của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính vẫn tiếp tục đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao...

Bộ này cho rằng, việc tăng thuế sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, từ đó giảm áp lực, quá tải với hệ thống y tế, bệnh viện.

Chuyên gia: “Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường là chưa thuyết phục'
Việc áp dụng thuế TTĐB lên nước giải khát có đường là không khả thi trong việc đạt được mục tiêu giảm thừa cân béo phì do có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì mà nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất.

Về đề xuất này, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN kiến nghị ban soạn thảo không bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Ông Thành lý giải, việc áp dụng thuế TTĐB lên nước giải khát có đường là không khả thi trong việc đạt được mục tiêu giảm thừa cân béo phì do có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì mà nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất.

“Những số liệu cụ thể về mối liên hệ giữa tiêu thụ nước giải khátcó đường với thừa cân béo phì không nhất thiết cho thấy tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao sẽ làm tăng tỷ lệ thừa cân béo phì”, ông Thành khẳng định.

Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế TTĐB có thể làm giảm hiệu quả trong việc phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch và mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam. Các thay đổi chính sách thuế rõ ràng không cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực, tạo sức ép nghĩa vụ tài chính cho các doanh nghiệp khi cùng lúc phải thực hiện trách nhiệm từ các chính sách khác nhau.

Ngoài ra, Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi dự kiến tăng thuế GTGT của đường từ 5% lên 10%; như vậy nếu áp thêm thuế TTĐB thì nước giải khát có đường sẽ bị tăng thêm 2 thuế cùng một lúc. Đây sẽ là gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp ngành này trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Còn theo quan điểm của Th.S Nguyễn Văn Phụng, Uỷ viên BCH Hội Kế toán & Kiểm toán Việt Nam, việc Bộ Tài chính lấy lí do gây béo phì để áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường là chưa thuyết phục.

“Có nhiều lý do thuyết phục hơn để đưa ra như việc nhà nước cần tăng thu ngân sách chẳng hạn, còn lí do gây béo phì thì nước giải khát có đường chỉ là một nguyên nhân nhỏ. Nếu áp thuế thì phải áp luôn cho những thực phẩm cũng có khả năng đó như đồ chiên rán,…”, ông Phụng thẳng thắn chia sẻ.

>>Chủ tịch UBCKNN: Nửa đầu năm 2024, TTCK Việt Nam vẫn hoạt động ổn định, an toàn, minh bạch

“Nghịch lý” từ kinh nghiệm quốc tế

Ở góc độ quốc tế, kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy, công cụ thuế không hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ thừa cân béo phì. Việc áp dụng công cụ thuế có thể làm giảm tiêu thụ nước giải khát có đường ở một mức độ nhất định nhưng không dẫn đến giảm tỷ lệ thừa cân.

4542-index-743
Với những quốc gia không áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhưng kiểm soát thừa cân, béo phì và tiểu đường hiệu quả.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ, một số quốc gia sau khi áp dụng thuế TTĐB lại có tỷ lệ thừa cân béo phì tiếp tục tăng mặc dù tiêu thụ đồ uống có đường giảm. Điển hình như Ấn Độ, Chi-lê, Mexico, Phần Lan, Đan Mạch,…những nước mà tỷ lệ béo phì đang có xu hướng gia tăng.

Trái lại, với những quốc gia không áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhưng kiểm soát thừa cân, béo phì và tiểu đường hiệu quả. Điển hình như Đức và Nhật Bản.

Với Đức, theo báo cáo của Hiệp hội ngành giải khát châu Âu (UNESDA) năm 2019, mức tiêu thụ nước giải khát bình quản đầu người ở Đức (336,3 lít/người), cao hơn nhiều so với mức trung bình của Châu Âu (243,9 lít/ người).

Tuy nhiên, Đức không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát. Đức áp dụng các chính sách hướng dẫn về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất, và áp dụng các qui định hạn chế trong quảng cáo và nhãn dinh dưỡng. Các biện pháp này được ghi nhận là sẽ giúp ngăn ngừa khoảng 218,000 trường hợp bị bệnh không lây nhiễm đến năm 2050.

Còn với Nhật Bản, đây là nước có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát rất lớn, nhưng tỷ lệ béo phì ở quốc gia này chỉ 3,5%. Dự báo mức tiêu thụ đồ uống không cồn tại Nhật Bản sẽ đạt khoảng 172,8 lít/người vào năm 2024. Hai bộ luật luật Shokuiku và Metabo, quy định quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học và thực hiện các bài giảng về dinh dưỡng cho học sinh. Bộ luật này cũng yêu cầu các công sở phải có thời gian nghỉ giữa giờ để nhân viên tập thể dục, đồng thời khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động thể chất sau giờ làm việc.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ kết luận, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường không phải là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ thừa cân béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm. Do đó, cần xem xét lại việc bổ sung nước giải khát có đường vào đồi tượng chịu thuế TTĐB.

>>Tăng thuế rượu bia: Nên hay không?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-la-chua-thuyet-phuc-241765.html
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chuyên gia: “Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường là chưa thuyết phục'
POWERED BY ONECMS & INTECH