Tài chính Ngân hàng

Chuyên gia giải mã yếu tố khiến giá vàng tăng phi mã

Khúc Văn 09/03/2024 - 20:46

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng do lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn nên dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý.

Giá vàng liên tục phá kỷ lục

Ghi nhận vào sáng 9/3, giá vàng miếng SJC tiếp tục lập đỉnh mới, có thời điểm mua vào ở mức 79,7 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 82,2 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 400 ngàn đồng/lượng so với kỷ lục cũ vừa được thiết lập vào giữa tuần qua.

Chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra tăng lên mức 2,5 triệu đồng/lượng. Đến trưa, giá vàng miếng SJC có xu hướng giảm nhẹ còn 79,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, bán ra ở mức 82 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia giải mã yếu tố khiến giá vàng tăng phi mã
Giá vàng phá kỷ lục: ‘Lãi suất giảm, đầu tư khó khăn nên người dân có xu hướng tích trữ vàng’.

Tương tự, giá vàng miếng PNJ vào trưa 9/3 ở mức 68,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 69,35 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng khoảng 1,2 triệu đồng/lượng so với giữa tuần qua.

>>Giá vàng SJC hôm nay (9/3) tăng như vũ bão, lập đỉnh mới 82,2 triệu

Giá vàng Âu Vàng Phúc Long của Tập đoàn Vàng bạc trang sức DOJI mua vào ở mức 79,65 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 82,15 triệu đồng/lượng, tăng 400 ngàn đồng/lượng so với đầu tuần.

Ngoài ra, giá các loại vàng nhẫn cũng tiếp đà tăng mạnh, tăng thêm 120 ngàn đồng/chỉ (tương đương 1,2 triệu đồng/lượng) và tiếp tục “xô đổ” kỷ lục, hiện vàng nhẫn có mức giá bán ra từ 6,93-7,05 triệu đồng/chỉ…

Trong năm 2023, vàng nhẫn cũng ghi nhận mức sinh lời ấn tượng, thậm chí còn cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.

Giá vàng tăng sau tết là bình thường

Lý giải về cơn sốt của giá vàng, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho rằng, do lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn nên dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý. Tâm lý "mua vàng còn giữ được giá" khiến nhiều người lựa chọn vàng để đầu tư.

"Khi kinh tế biến động, tâm lý của người dân luôn muốn tích trữ vàng. Giá vàng càng tăng càng kích thích tâm lý của người dân mua vàng. Đặc điểm khác của kênh đầu tư vàng, đó là thu hút được số đông người mua, điển hình là người dân lao động. Đây là nhóm khó tiếp cận với đầu tư chứng khoán và cũng chưa đủ tiền để mua bất động sản. Họ chỉ còn có 2 con đường: mua vàng và gửi tiết kiệm. Mà gửi tiết kiệm mang lại lãi suất thấp. Thế nên, người dân lại quay ra tích cóp mua vàng, càng đẩy giá vàng lên cao", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Chuyên gia giải mã yếu tố khiến giá vàng tăng phi mã
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế.

Một nguyên nhân khác theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh là giá vàng tăng mạnh do vàng SJC không được Nhà nước cho nhập thêm, thị trường chỉ có mua đi bán lại vàng SJC cũ. Cầu tăng, cung không có thì đương nhiên giá tăng cao.

>>Giá vàng hôm nay 9/3/2024 tiếp tục đà tăng, chờ kỷ lục mới

Về câu hỏi, liệu đấy có phải là tình trạng gim vàng, thổi giá, ông Thịnh nhận định đây không hẳn là chiêu trò “ghim hàng, thổi giá” của các nhà vàng trước thời điểm Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng miếng được sửa đổi.

Theo đó, ông Thịnh nhấn mạnh “việc xem xét, sửa đổi Nghị định 24 cần phải có thời gian và không thể diễn ra trong 1 ngày hay 1 tuần được. Trong khi đó, người kinh doanh vàng luôn sẵn sàng bán khi họ có lãi. Trên thực tế, cả giá vàng miếng lẫn giá vàng nhẫn trong nước đều đang có khoảng cách tương đối lớn với giá vàng thế giới. Rõ ràng là người kinh doanh vàng vẫn đang có lợi nên họ sẽ sẵn sàng bán mà không ghim hàng”.

Về việc sửa đổi Nghị định 24, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng “việc Nghị định 24 được sửa đổi sẽ có tác động lên thị trường và giúp thị trường vàng trong nước ổn định hơn. Những chỉ thị của Chính phủ liên quan đến Nghị định 24 như trong những ngày qua là dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang muốn thay đổi thị trường vàng. Điều này chắc chắn là có tác động lên thị trường. Nhìn chung, thị trường vàng trong nước đang ở trong quá trình chuyển đổi”.

Ông Hiếu cho rằng thay đổi đầu tiên về Nghị định 24 mà nhà điều hành đang hướng đến đó là thay đổi về khung pháp lý.

“Ngân hàng Nhà nước hiện là đơn vị duy nhất kiểm soát việc mua vàng, nhập khẩu vàng. Điều này nên xem xét lại bởi nếu như vào 10 năm trước thì quy định này là cần thiết để ổn định thị trường vàng nhưng trong bối cảnh như hiện nay, thị trường có nhiều thay đổi và cần nhiều nguồn cung vàng hơn.

Chính vì thế, cần thay đổi vai trò của Ngân hàng Nhà nước, nên rút lại vai trò quản lý hiện tại của Ngân hàng Nhà nước và giao cho các đơn vị kinh doanh vàng”.

Song song với đó, thương hiệu quốc gia của SJC cũng nên được rút lại để trên thị trường có sự cạnh tranh công bằng hơn, từ đó giúp thị trường bình ổn hơn, ông nói.

>>Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Vàng và USD lập đỉnh có thể dẫn đến nguy cơ chết đọng vốn, gây hệ lụy không hề nhỏ

Giá vàng SJC hôm nay (9/3) tăng như vũ bão, lập đỉnh mới 82,2 triệu

Giá vàng hôm nay 9/3/2024 tiếp tục đà tăng, chờ kỷ lục mới

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-giai-ma-yeu-to-khien-gia-vang-tang-phi-ma-225807.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia giải mã yếu tố khiến giá vàng tăng phi mã
    POWERED BY ONECMS & INTECH