Doanh nghiệp

Chuyên gia: Tăng thuế, rượu thủ công và nhập lậu sẽ càng 'lấn sân'

Khúc Văn 03/08/2024 07:40

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng khi đánh giá tác động, cần phân biệt hai mặt hàng này thay vì gộp chung để chính sách đạt hiệu quả cao hơn.

Cần đánh giá riêng biệt rượu và bia

Theo đại diện PwC, ngành rượu của Việt Nam không phát triển. Rượu là sản phẩm có độ cồn rất cao, phần lớn là nhập khẩu song nhập khẩu chính ngạch để thu được thuế lại rất nhỏ.

Đáng nói, rượu thủ công, rượu không kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng - nhóm không những không thu được thuế nhưng ảnh hưởng sức khỏe rất lớn - lại chiếm thị phần áp đảo.

Ngay cả với thị trường rượu, có nhiều phân khúc như: rượu vang, rượu mạnh... với thị phần và đặc thù của thị trường cũng rất khác nhau.

5200-bia
Tăng thuế rượu thủ công và nhập lậu sẽ càng “lấn sân".

Còn với thị trường bia, đến 99% mặt hàng này sản xuất trong nước và kiểm soát được chất lượng. Hiện thị trường bia có ba phân khúc giá và giá bán lẻ bình quân dưới 33.000 đồng/lít, tương ứng khoảng 10.000-11.000 đồng/lon bia.

Như vậy, phần lớn là mặt hàng chính ngạch. Tỷ lệ làm giả, sản xuất thủ công không lớn, khi tăng giá 5-10% có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng.

Theo bà Vân, chúng ta cũng nên đánh giá ảnh hưởng của bia và rượu đến sức khỏe khác nhau, chứ không nên gộp chung, bởi rượu có nồng độ cồn cao hơn, còn bia có nồng độ cồn chỉ khoảng 5%, có loại hơn chục độ. Hơn nữa, hành vi của người tiêu dùng với bia và rượu cũng rất khác nhau.

Trong Luật Phòng, chống tác hại bia, rượu cũng đề cập đến việc lạm dụng, chứ không cấm uống nên cần có biện pháp hạn chế tiêu dùng rượu, bia.

Về tác động đến sức khỏe, chính sách thuế có giải quyết được vấn đề giảm lượng tiêu thụ cồn hay không cũng là vấn đề cần phải xem xét kỹ.

Phân tích ảnh hưởng hành vi người dùng, bà Vân cho rằng thị trường rượu phần lớn là thủ công và nhập lậu, do đó càng tăng thuế thì tiêu thụ rượu thủ công và nhập lậu càng lấn sân, gây ảnh hưởng đến sức khỏe càng lớn. Về thị trường bia, ảnh hưởng của mặt hàng này đối với sức khỏe đến mức độ nào và có nhất thiết phải hạn chế tiêu dùng đến mức như vậy hay không cũng chưa có câu trả lời thấu đáo.

Với kinh nghiệm nghiên cứu, tư vấn về thuế ở nhiều quốc gia, lãnh đạo PwC Việt Nam cũng nhận thấy phần lớn các nước trên thế giới đánh thuế suất đồ uống theo nồng độ cồn khi nhận thấy rất rõ tác hại đến sức khỏe, tức bia, rượu có nồng độ cồn càng cao, sẽ chịu thuế càng cao.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay những sản phẩm bia có độ cồn thấp, ít tác hại đến sức khoẻ lại có giá cao nên đôi khi sẽ phải nộp tiền thuế nhiều hơn các sản phẩm có độ cồn cao hơn.

Hiện tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định sản phẩm bia theo các mức nồng độ cồn khác nhau (dưới 5,5 độ, từ 5,5 đến dưới 15 độ và trên 15 độ). Chính sách thuế dựa trên nồng độ cồn được coi là một công cụ hữu hiệu để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng và khuyến khích sử dụng các sản phẩm chất lượng cao với độ cồn thấp, nhằm giảm thiểu tác hại đến sức khỏe. Nhiều ý kiến đề xuất áp dụng mức thuế tương đối dựa trên nồng độ cồn của bia, thay vì áp dụng mức thuế cố định và cào bằng ở mức 65% như trước đây.

Điều này có nghĩa là cần thiết phải chia biểu mức thuế suất khác nhau tương ứng với độ cồn khác nhau, độ cồn càng cao thì thuế suất càng tăng.

Về đánh giá tác động của chính sách, bà Vân nhấn mạnh rằng không chỉ cần phân tích ảnh hưởng đến nhà sản xuất, mà còn phải xem xét tác động đến hệ thống phân phối và các vấn đề xã hội.

Ngoài ra, tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu quả hơn rất nhiều lần việc tăng thuế, bởi vì hạn chế ngay lập tức việc sử dụng rượu, bia. Đây cũng là một trong những biện pháp chúng ta đã áp dụng. Do đó, bà Vân cho rằng cần nghiên cứu kỹ tác động của nhiều chính sách trong việc hạn chế tiêu thụ rượu, bia.

>>Sửa thuế tiêu thụ đặc biệt, nên hướng tới hiệu quả và công bằng

Băn khoăn lộ trình tăng thuế

Cũng theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, PwC Việt Nam đã xây dựng mô hình để tính toán, xem xét ảnh hưởng của các phương án Bộ Tài chính đề xuất đối với doanh nghiệp.

Chuyên gia: Tăng thuế, rượu thủ công và nhập lậu sẽ càng 'lấn sân'
Băn khoăn lộ trình tăng thuế.

Đánh giá tác động của chính sách tăng thuế lên giá bán và sản lượng tiêu thụ, theo bà Vân, điều này phải phụ thuộc vào nhiều giả thiết như: độ co giãn của cầu (PE - Price elasticity) thể hiện độ nhạy của lượng cầu trước thay đổi về giá của hàng hoá, các yếu tố khác về dân số, thu nhập...

Hiện tại, giá xuất xưởng chiếm khoảng 70% giá bán tại các cửa hàng tiện ích và siêu thị. Thuế tiêu thụ đặc biệt được tính trên giá xuất xưởng, vì vậy khi tăng thuế 10%, giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 5-7%. Theo dự báo của PwC, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, tổng doanh thu của các doanh nghiệp có thể giảm khoảng 10% vào năm 2030.

Vì thời gian ngắn, PwC chưa tính đến ảnh hưởng đối với người lao động khi giảm sản lượng cũng như các yếu tố khác. Mô hình mới chỉ tính toán tác động kỹ với mặt hàng bia, còn ngành rượu do thiếu số liệu và thống kê chính thức nên ảnh hưởng có thể lớn hơn dự đoán.

Làm rõ hơn về phương pháp đánh thuế, theo lãnh đạo PwC, mỗi chính sách thuế và mỗi mô hình tại mỗi quốc gia đều có những đạo lý, ý tưởng đằng sau và cũng không thể nói rằng đó là đúng hay sai.

Điều bà Vân còn băn khoăn là theo lộ trình tăng thuế tại dự thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế suất đối với bia sẽ tăng lên đến 90% hoặc 100% vào năm 2030, vậy từ sau năm 2030 sẽ tăng đến đâu cũng không được đề cập.

Đó cũng là lý do rất nhiều quốc gia đánh thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp, để người dân và doanh nghiệp cảm thấy dễ chấp nhận.

Chẳng hạn, thuế suất thuế tuyệt đối là 2.000-3.000 đồng/lít, nhiều khi về cảm giác sẽ tốt hơn là tăng thuế rượu, bia lên đến 100% hay 150% lập tức gây những phản ứng, một phần do tâm lý.

Lại cũng có ý kiến cho rằng có thể giữ mức thuế suất lớn như vậy để đưa ra thông điệp không khuyến khích người dân tiêu thụ nhiều rượu, bia.

Vì vậy, Chủ tịch PwC Việt Nam gợi mở rằng Việt Nam nên xem xét cả phương án hỗn hợp, đánh thuế cả tuyệt đối và tương đối, sau đó nghiên cứu chuyển dần sang tuyệt đối hay không, để tiếp tục lộ trình tăng thuế suất trong tương lai, tạo sự đồng thuận khi truyền thông. Hơn nữa, đánh thuế theo phương pháp tương đối tính trên lít giúp công tác thu thuế đơn giản và tránh chuyển giá hay các vấn đề phát sinh không mong muốn.

Cuộc tranh luận quyết liệt về thuế rượu bia: WB đề xuất tăng 155%, doanh nghiệp kêu cứu

Tăng thuế rượu, bia: nên hay không?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-tang-thue-ruou-thu-cong-va-nhap-lau-se-cang-lan-san-244017.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia: Tăng thuế, rượu thủ công và nhập lậu sẽ càng 'lấn sân'
    POWERED BY ONECMS & INTECH