GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá tỷ giá của đồng VND không cứng nhắc, có sự điều chỉnh và thay đổi linh hoạt, tạo ra giá trị đồng tiền ổn định, không sợ mất giá.
Việt Nam đồng là đồng tiền tốt nhất
Tại tọa đàm “Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá Việt Nam là nước duy trì được giá đồng tiền ổn định nhất, tốt nhất.
Theo ông, tỷ giá của chúng ta không phải cứng nhắc, có sự điều chỉnh, thay đổi linh hoạt nhưng cũng chỉ biến động quanh khung 23.500-24.500 VND/USD và cuối cùng quay lại đúng mức tỷ giá ổn định, từ đó tạo ra giá trị đồng tiền ổn định, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, không sợ đồng tiền mất giá, gây hoang mang, tích trữ.
“Tôi cho rằng đấy là những yếu tố thể hiện sự thành công của chúng ta, cả thế giới lạm phát cao như thế, chúng ta duy trì được, nhất là nền kinh tế của chúng ta mở, khi giá đồng tiền các nước tăng cao, đồng tiền của chúng ta nguy cơ mất giá là rất cao”, ông Cường nhận định.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Báo Chính phủ |
Trong năm 2022 và những tháng gần đây, trong khi thế giới dự báo lạm phát có xu hướng chậm lại, các ngân hàng lớn của các nước hầu như chưa có động thái giảm lãi suất điều hành, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, nhằm đưa mặt bằng lãi suất thấp xuống, giúp cho doanh nghiệp có nguồn lực.
Với động thái này của NHNN, ông Cường đánh giá đây là hành động quyết liệt và cũng cương quyết trong bối cảnh hiện nay, tất nhiên chúng ta phải hết sức thận trọng trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn.
Vẫn còn dư địa rất tốt để tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa
Đối với các yếu tố vĩ mô, ông Cường đánh giá việc ổn định vĩ mô rất thành công.
“Tôi cho rằng việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ đã ứng phó rất kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Việt Nam vẫn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cũng dùng tài khóa nhưng không bị rơi vào lạm phát, vẫn giảm được gánh nặng cho doanh nghiệp, như giảm thuế, giãn, hoãn các khoản đóng góp.”, ông cho hay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như vậy, đương nhiên nguồn thu có xu hướng bị sụt giảm, nhất là chúng ta lại miễn, giãn, hoãn các khoản thu. Thực tế 2 năm qua, năm 2021 và 2022, thu đều vượt qua dự báo rất nhiều, thể hiện ở chỗ chúng ta tranh thủ cơ hội để khai thác được nguồn thu để bù đắp cho phần giãn, hoãn, chậm nộp của doanh nghiệp, dẫn tới cán cân thanh toán của chúng ta luôn thấp hơn mức bội chi Chính phủ giao.
Vì vậy, nợ công giảm xuống rất thấp, trước đây có thời kỳ trên 50%, nếu tính theo GDP mới thì năm 2021 xuống 42% và 2022 chỉ còn hơn 38%.
“Đây là dư địa rất tốt để chúng ta tiếp tục sử dụng những chính sách tài khóa này. Đấy là thành công và cho thấy chúng ta rất khéo léo, hiệu quả trong sử dụng tài khóa”, ông Cường nhận định.
VN-Index vùng 1.270-1.280 điểm: Dòng tiền lớn giữ giá để gom hàng?
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ưu tiên cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy