Chuyện kết hôn của công chúa triều Nguyễn: Muốn kết hôn phải rút thăm, nhiều 'phò mã' tương lai bỏ trốn khỏi kinh thành vì không chịu cưới

31-03-2024 08:52|Nam Trần

Đối với công chúa, những người con gái của vua thì việc lấy chồng cũng không phải điều đơn giản.

Lập danh sách để chọn chồng cho công chúa

Thời kì phong kiến gần nhất với chúng ta chính là thời nhà Nguyễn vì vậy có rất nhiều câu chuyện của hoàng gia nơi cung thành hoa lệ cũng được lưu truyền cho đến ngày nay. Đặc biệt chuyện lấy chồng của công chúa thời Nguyễn đã được ghi lại rất thú vị.

Sách “Đời sống cung đình triều Nguyễn” của tác giả Tôn Thất Bình cho biết hoàng tử, công chúa đến tuổi lập gia đình đều được chú trọng để kết hôn với người xứng đáng. Công chúa lấy chồng gọi là hạ giá, con rể vua gọi là phò mã.

Khi công chúa đến tuổi 16, vua sai Bộ Lại, Bộ Binh lập danh sách những con cháu và chắt các công thần từ nhị phẩm trở lên. Những chàng trai này từ 16 tuổi trở lên, không tàn tật, thông minh và ưa nhìn. Một vị hoàng thân làm chủ hôn, một vị đại thần làm chiếu liệu (người lo sắp đặt mọi chuyện) đứng ra lo liệu công việc lễ cưới. Cả hai vị này đều phải có gia đình đề huề, đông con cháu.

Công chúa Tân Phong và phò mã Nguyễn Hữu Khảm năm 1907. Ảnh tư liệu: Tập san Hội Đô thành hiếu cổ

Công chúa Tân Phong và phò mã Nguyễn Hữu Khảm năm 1907. Ảnh tư liệu: Tập san Hội Đô thành hiếu cổ

Sau đó, hai vị này căn cứ trên phiếu kê danh sách của Bộ Lại, Bộ Binh chọn lấy 5 người hợp tuổi, xứng đáng với công chúa rồi tâu lên vua để vua lựa chọn phò mã theo phong tục xem tuổi của người Việt Nam ta xưa là "gái hơn hai, trai hơn một". Cuối cùng khi nhà vua chọn được người làm rể thì sẽ điểm một dấu son dưới tên người đó và đại thần sẽ đi báo đến gia đình nhà trai để bắt đầu chuẩn bị nghi thức kết hôn.

Ngay khi xác định được phò mã, lễ cưới của công chúa gồm 6 lễ, cứ 2 lễ tiến hành trong một ngày, tất cả là 3 ngày cách quãng nhau. Khâm Thiên giám làm nhiệm vụ chọn ngày lành tháng tốt, nhà trai phải liên hệ để biết mà chuẩn bị.

Trong sách "Đời sống cung đình Triều Nguyễn" của Tôn Thất Bính, nghi lễ cưới của công chúa được ghi nhận như sau:

Ngày thứ nhất:

- Lễ Nạp thái (nạp tài): Gia đình phò mã đưa lễ vật vào cung. Lễ vật gồm có 1 con trâu, 1 con lợn, 2 mâm trầu cau, 2 vò rượu, 2 cây gấm, 10 tấm lụa, 4 thỏi vàng, 1 đôi bông vàng, 1 cái trâm vàng, 2 chuỗi ngọc và 16 thỏi bạc. Vị chủ hôn bày gấm, lụa, trầu cau lên bàn thờ; còn vàng bạc nữ trang chuyển giao cho công chúa.

- Lễ Vấn danh: Gia đình phò mã đưa bà mối đến để hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của công chúa. Lễ vật gồm có 2 con trâu, 2 con lợn, 2 vò rượu.

Ngày thứ hai:

- Lễ Nạp cát: Lễ báo rằng đã xem bói được quẻ tốt, công chúa và phò mã có thể lấy được nhau. Lễ vật gồm có 2 con trâu, 2 con bò, 2 con lợn, 2 vò rượu.

- Lễ Nạp trưng (nạp tệ): Lễ nạp đồ sính lễ, sự hứa hôn là chắc chắn diễn ra. Lễ vật có 2 con trâu, 2 con bò, 2 con lợn, một mâm trầu, 2 vò rượu, 2 tấm lụa hoa, 20 tấm lụa trơn, 6 thỏi vàng, 20 thỏi bạc.

Sau các lễ trên, vua sai đại thần đem lễ vật đi cáo các lăng miếu. Trước hôm làm lễ Thân nghinh 3 ngày, các bà mệnh phụ cùng nữ quan dẫn công chúa vào lạy các miếu, rồi vào cung lạy Hoàng hậu và Hoàng Thái hậu. Trước 2 ngày, vua sai quan Khâm mạng tới thăm phủ đệ phò mã, rồi cho đem tới giường thất bảo, màn bát tiên... đến bày.

Ngày thứ ba:

- Lễ Điện nhạn: Lễ vật gồm 1 hộp chỉ ngũ sắc, 100 đồng tiền, 2 con ngỗng nhốt trong 2 cái lồng có dây đỏ buộc liền nhau (2 con ngỗng để thay cho 2 con chim nhạn rất khó kiếm. Ngỗng và nhạn đều tượng trưng cho sự chung thủy; hộp chỉ ngũ sắc và 100 đồng tiền tượng trưng cho sự giàu sang thịnh vượng, con đàn cháu đống).

- Lễ Thân nghinh: Lễ rước dâu, tổ chức hôn lễ. Hai ông bà chiếu liệu đến phủ đệ phò mã, tự tay sắp đặt giường nằm và giải chiếu cho đôi vợ chồng mới; vị chủ hôn lựa 12 ông hoàng thân, 2 phò mã, 2 viên quan văn và 2 viên quan võ cùng phu nhân. Những người kể trên tề chỉnh võng lọng đợi đến giờ dẫn dâu. Bộ Binh phái 300 lính cầm cờ quạt nghi trượng ứng trực trước cửa cung.

Phò mã mặc lễ phục vào lạy vua xin đón công chúa. Vua ban cho phò mã mấy lời giáo huấn. Phò mã ngồi đợi tại một gian phòng, bốn bên màn che, sáo phủ. Công chúa đội mũ ngũ phượng, mặc áo bào bằng đoạn bát ty màu đỏ, thêu hoa tròn và chim phượng; xiêm y cũng bằng đoạn bát ty màu bạch tuyết thêu chim phượng; đi hài màu đỏ thêu phượng theo nữ quan dẫn đến hầu vua cha và mẫu hậu để nghe những lời giáo huấn.

Hồi môn của công chúa được cấp lớn nhỏ tùy theo đời vua. Phò mã Đô úy là chức của chồng công chúa; chỉ ngồi không ăn lương, dự yến tiệc trong ngày lễ, hoặc theo vua đi hầu các nơi.

Lễ cưới công chúa sau đó thay đổi theo từng đời vua. Sau đời Tự Đức, hôn lễ đều cử hành tại Tôn nhơn phủ, là nhà thờ của họ Nguyễn Phúc. Các lễ vật của phò mã càng ngày càng giảm bớt và sự lựa chọn cũng dễ dàng hơn.

Muốn kết hôn phải rút thăm

Câu chuyện chọn chồng cho công chúa thời vua Tự Đức có lẽ là câu chuyện đáng chú ý nhất. Sau khi vua Thiệu Trị băng hà, triều đình phải để tang và vua Tự Đức phải tuân theo nghi lễ tang chế, để tang 3 năm. Trong khoảng thời gian này, không một hôn lễ nào được phép tổ chức. Do đó, sau 3 năm trong cung có tới 30 công chúa là con gái của vua Thiệu Trị và vua Tự Đức chưa lấy chồng, trong đó có những công chúa đã “quá lứa lỡ thì”.

Công chúa Thuyên Hoa, em gái vua Thành Thái. Ảnh tư liệu: Tập san Hội Đô thành hiếu cổ

Công chúa Thuyên Hoa, em gái vua Thành Thái. Ảnh tư liệu: Tập san Hội Đô thành hiếu cổ

Khi lập danh sách tìm phò mã cho các công chúa thì có không ít người đã phải bỏ trốn khỏi kinh thành vì "được" chọn làm phò mã. Nguyên nhân bởi vì công chúa không chỉ lớn tuổi mà cũng chẳng có "sắc nước hương trời".

Vì thế danh sách cũng phải mở rộng xuống con của các quan tam phẩm. Khi đó tên của các ứng viên sẽ được viết vào các tờ giấy, nếu công chúa rút được tên của ai thì sẽ lấy người đó làm chồng.

Đặc quyền to lớn của phò mã

Các phò mã sẽ được hưởng vô số đặc quyền sau khi kết hôn với công chúa. Đầu tiên, các phò mã sẽ được lĩnh 3.000 quan tiền để mua nhà ở, còn được gọi là phủ hoặc đệ, và 30.000 quan để mua đồ dùng, quần áo, trang sức. Các đồ dùng mà một phò mã cần sắm là: "Một bộ triều phục cho phò mã, một cái mũ có 5 con phượng gắn san hô và kim cương, một cái đai nạm vàng, một đôi hoa tai bằng vàng, một cái hộp nhỏ bằng vàng đựng đồ trang điểm, một cái gương có khung cẩn xà cừ và vàng, một cái hộp nạm vàng và xà cừ đựng đồ uống trà, một cái ống nhổ bằng vàng, nhiều tấm gấm thêu và lụa cải hoa, những đôi hài thêu và bít tất".

Ngoài ra, cần có các đồ dùng cho gia đình như tủ bếp, bàn ghế, đồ dùng làm bếp, một chiếc thuyền bồng… Bên cạnh đó, triều đình cũng cấp cho phò mã 50 lính để hầu cận.

Theo quy định, công chúa triều Nguyễn trước ngày cưới không được biết mặt phò mã nhưng cũng có thể sai thế nữ dò hỏi về tính cách cùng dáng vẻ của phò mã.. Hôn lễ cuối cùng của công chúa triều Nguyễn là công chúa Tân Phong, em của vua Thành Thái và phò mã Nguyễn Hữu Khảm, con của cố Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Hữu Độ.

Câu chuyện lịch sử về các triều đại phong kiến Việt Nam luôn đầy sức hút và mang lại nhiều điều thú vị. Thời nay khi nhìn lại chúng ta có thể phần nào hình dung được ngày ấy cha ông ta đã có cuộc sống như thế nào.

Tham khảo:
- Chuyện kết hôn của công chúa triều Nguyễn - Báo Lao động (12/02/2023)
- Lễ cưới của công chúa triều Nguyễn thời xưa diễn ra như thế nào? - Tạp chí Thời đại (21/08/2019)

>> Lăng mộ vị đại thần nhiếp chính cuối cùng của Việt Nam, từng thay vua Bảo Đại điều hành nhà Nguyễn

Vị trạng nguyên nào từng từ chối lấy công chúa làm vợ?

Công chúa ngoại quốc duy nhất được lập đền thờ ở Việt Nam, nơi lưu giữ 5 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/chuyen-ket-hon-cua-cong-chua-trieu-nguyen-muon-ket-hon-phai-rut-tham-nhieu-pho-ma-tuong-lai-bo-tron-khoi-kinh-thanh-vi-khong-chiu-cuoi-d119208.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyện kết hôn của công chúa triều Nguyễn: Muốn kết hôn phải rút thăm, nhiều 'phò mã' tương lai bỏ trốn khỏi kinh thành vì không chịu cưới
    POWERED BY ONECMS & INTECH