Chuyến thăm Ả Rập Xê Út của Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mở thị trường 2.200 tỉ USD
Chuyến thăm Ả Rập Xê Út đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp.
Ngày 21-10, Thủ tướng Phạm Minh Chínhvà đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC và thăm Vương quốc Saudi Arabia.
Trả lời phỏng vấn về các kết quả của chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, đây là chuyến công tác đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Saudi Arabia. Với 20 hoạt động được diễn ra trong hơn 2 ngày, chuyến công tác tạo tiền đề quan trọng để tăng cường tin cậy chính trị và mở ra các cơ hội hợp tác mới.
Nhiều triển vọng hợp tác từ thị trường 2.220 tỉ USD
Đánh giá về các kết quả, thứ trưởng cho biết đoàn Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC đầu tiên.
Đặc biệt, bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng đã đề cao ý nghĩa của hội nghị, mở ra kỳ vọng to lớn để hai bên cùng phấn đấu đưa quan hệ lên một tầm cao mới, với những thông điệp rất rõ ràng. Đây cũng là cơ hội thắt chặt hơn mối quan hệ với tất cả các quốc gia vùng Vịnh, một khu vực có tổng GDP lên đến 2.200 tỉ USD,
Trên cơ sở đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị ASEAN và GCC cùng nhau tạo thuận lợi hơn nữa để kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành trụ cột chính, là động lực kết nối hai khu vực, bổ trợ cho nhau cùng phát triển.
Nguồn ảnh: Dương Giang |
Cần nhanh chóng thể chế hóa hợp tác ASEAN-GCC bằng các cơ chế hợp tác thường xuyên, thực chất, hiệu quả trên từng lĩnh vực cụ thể nhằm hiện thực hóa các cam kết của lãnh đạo cấp cao giữa hai bên. Tăng cường hợp tác đa phương để cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.
Đối với Saudi Arabia, ông Việt cho rằng đây là chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau 13 năm, mang tính chất rất quan trọng, nhằm mở đường, tìm kiếm và tận dụng các cơ hội hợp tác.
Trong hội đàm với Hoàng thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia và các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước thành viên GCC, chúng ta đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Theo ông Việt, các nước đều đánh giá cao vai trò và vị thế cũng như triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Lãnh đạo Saudi Arabia bày tỏ sự ngưỡng mộ, mong muốn cùng đồng hành, hợp tác cụ thể; Quốc vương Qatar khẳng định không có giới hạn nào trong hợp tác với Việt Nam…
Các nước vùng Vịnh muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam
Các nước cho rằng còn nhiều dư địa hợp tác với Việt Nam cũng như Việt Nam có thể mở cửa để thu hút các khoản đầu tư lớn. Thúc đẩy nhiều lĩnh vực truyền thống và cả những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực đa dạng khác.
Điểm đáng chú ý, các nước cũng bày tỏ sẵn sàng trao đổi, thúc đẩy thương mại, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam và đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp Halal, mở ra một hướng đi mới cho ngành nông thực phẩm của Việt Nam.
Bên cạnh đó là lĩnh vực hợp tác rất quan trọng về lao động, cử lao động tay nghề cao của Việt Nam tham gia vào các dự án lớn của Saudi Arabia. Thúc đẩy hợp tác về du lịch, tăng cường kết nối, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và các nước vùng Vịnh.
Theo Thứ trưởng Việt, nhằm khai thông nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam, Quỹ đầu tư công 620 tỉ USD của Saudi Arabia đã cam kết dành nguồn lực nhiều hơn cho các dự án lớn phát triển hạ tầng của Việt Nam.
Nhiều tập đoàn lớn của Saudi Arabia khẳng định sẽ xem xét mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như thép, thép tiền chế, bán lẻ, nông nghiệp và năng lượng sạch và mong muốn qua Việt Nam mở rộng mạng lưới kinh doanh của các doanh nghiệp này sang các nước ASEAN.