“Cổ chứng” hút dòng tiền, mã nào còn nhiều dư địa tăng trưởng?
Phiên hôm qua (22/8), ngành chứng khoán dẫn đầu đà tăng với mức tăng 4,17%, đồng thời ghi nhận lực cầu tốt với tâm điểm là SSI, VND, VDS, APG, CTS,…
Cổ phiếu chứng khoán vẫn đua nhau bứt phá trong phiên 22/8. Cụ thể, ngành chứng khoán dẫn đầu đà tăng 4,17% đã cứu chứng khoán Việt Nam một bàn thua trông thấy. Nhóm cổ phiếu này ghi nhận lực cầu tốt nhất, trong đó, SSI là cổ phiếu chủ lực với khối lượng giao dịch cao nhất thị trường 51,8 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, APG +5,1% lên 9.560 đồng, VDS +4,6% lên 16.000 đồng, CTS +3,7% lên 25.000 đồng, BSI +3,2% lên 30.950 đồng, FTS +2,8%, VND +2,7% (42,7 triệu đơn vị), HCM +2,5%.
“Liều doping” giúp hàng loạt cổ phiếu chứng khoán có phiên khởi sắc và hút mạnh dòng tiền là thông tin hệ thống KRX vận hành vào cuối năm 2023.
Thực tế, nhóm cổ phiếu này đã ghi nhận đà tăng mạnh khi thanh khoản thị trường ngày một cải thiện. Nếu so với mức đáy thiết lập cuối tháng 11/2022, hầu hết các cổ phiếu chứng khoán đã có mức tăng bằng lần với SSI (+120%), VND (+105%), VCI (+130%), MBS (+106%), HCM (+82%),… Tuy nhiên, còn khá xa để những cổ phiếu trên trở lại mức đỉnh cao vào cuối năm 2021.
Sau chuỗi tăng khá dài, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn được các công ty chứng khoán nhận định là những đại diện sáng giá cho thị trường tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.
Các động lực bao gồm:
Tiềm năng của ngành chứng khoán trong tương lai còn rất lớn. VNDirect đánh giá ngành chứng khoán Việt Nam là một trong những ngành đầu tư hấp dẫn nhất với tính thâm nhập thấp và thu nhập gia tăng. Tính đến cuối Q2/23, tỷ lệ nhà đầu tư trên toàn dân số ở Việt Nam chỉ ~ 7,0%, thấp hơn so với mức 7,5% ở Thái Lan (đã loại bỏ các NĐT không hoạt động) và mức 12,5% tại Malaysia.
Ngoài ra, thu nhập khả dụng của hộ gia đình tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, cho thấy nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm tài chính cũng như nguồn thu của các công ty môi giới. Chính phủ Việt Nam cũng đang thực hiện các bước hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực chứng khoán (hệ thống giao dịch mới do KRX phát triển).
Với tất cả những yếu tố này kết hợp lại, VNDirect tin rằng triển vọng của lĩnh vực dịch vụ tài chính Việt Nam vẫn tồn tại nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác hết.
Thị trường có dấu hiệu tăng nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, từ đó làm thúc đẩy kết quả kinh doanh của ngành chứng khoán.
Sau 4 đợt giảm lãi suất điều hành, CTCK này kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất chính sách như hiện tại cho đến cuối năm 2023 nhờ lãi suất thực tại Việt Nam vẫn cao hơn ở Mỹ và kỳ vọng tỷ giá hối đoái được kiểm soát trong nửa cuối năm 2023.
Từ đó, nhóm phân tích kỳ vọng giá trị giao dịch trung bình ba sàn có thể đạt 20-25 nghìn tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023 – ngang mức giai đoạn năm 2021, nhờ lãi suất huy động ở mức thấp cũng như nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn.
Kết hợp với tỷ lệ cho vay ký quỹ toàn ngành trên tổng giá trị tài sản niêm yết trong 3 năm gần đây vào khoảng 17%-20%, VNDirect dự báo tổng cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt 155-180 nghìn tỷ đồng trong nửa cuối 2023, hàm ý mức tăng 10-13% từ mức 140 nghìn tỷ đồng cuối quý 2/2023.
Định giá hấp dẫn và kỳ vọng kết quả kinh doanh nhóm chứng khoán kỳ vọng hồi phục mạnh. Đến thời điểm hiện tại, định giá ngành đang giao dịch ở mức P/B là 1,6 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ngành trong 3 năm gần đây. Trong bối cảnh này, lĩnh vực chứng khoán sẽ là đại diện tốt nhất cho sự "hồi sinh" của thị trường.
Đồng quan điểm, tuy các cổ phiếu ngành chứng khoán đã tăng giá vượt trội so với thị trường từ đầu năm đến nay, nhưng Giám đốc phân tích chứng khoán Yuanta vẫn khuyến nghị nhà đầu tư tăng tỷ trọng cổ phiếu ngành chứng khoán trong danh mục đầu tư, do dự báo đà tăng của nhóm này vẫn được duy trì.
Bốn cổ phiếu được chuyên gia khuyến nghị là SSI, VND, VCI, HCM. P/B dự phóng của nhóm cổ phiếu chứng khoán đang quanh ngưỡng 1,5 - 2,3x, không phải là mức “sàn” nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức định giá P/B cao nhất được ghi nhận khi thị trường tăng mạnh (năm 2021) là 3,7 - 4,4x. Chuyên gia cho rằng, cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn còn tiềm năng tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm và mức sinh lời kỳ vọng trong 12 tháng là 21 - 26%.
Rủi ro đối với khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu của các công ty chứng khoán chính là nhóm này rất nhạy cảm với những diễn biến trên thị trường - vốn biến động liên tục và rất khó để dự báo một cách chắc chắn. Nếu xu hướng tăng gần đây của thị trường đảo chiều, chắc chắn sẽ chấm dứt đà tăng của ngành. Nhưng các nhà đầu tư nên lưu ý rằng, các công ty chứng khoán có chiến lược kinh doanh khác nhau nên mức độ rủi ro khi thị trường đảo chiều xu hướng tăng cũng khác nhau.