“Cửa thầu” nhà ga sân bay Long Thành khó, Hòa Bình (HBC) dồn lực cho dự án nước ngoài?
Song song hoạt động xây dựng, Hòa Bình từng đặt mục tiêu trở thành nhà phân phối vật liệu xây dựng sang nước ngoài với kỳ vọng đây là chìa khóa giúp HBC có thêm lợi thế cạnh tranh với các nhà thầu nội địa.
Mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã có buổi làm việc và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) và thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) với Công ty Geojang cùng đồng hành xây dựng các dự án ở Arab Saudi.
Geojang là công ty xây dựng đến từ Hàn Quốc với lợi thế kinh nghiệm tham gia vào thị trường Arab Saudi từ năm 2016. Theo HBC, đây sẽ là sự hợp tác chiến lược để hai bên cùng hỗ trợ, nâng cao năng lực xây dựng ở khu vực Trung Đông.
Trước đó, tháng 8/2022, HBC thành lập tiểu ban thị trường nước ngoài và bổ nhiệm ông David Martin Ruiz vào vị trí Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài. Vị lãnh đạo này chia sẻ HBC đã có 280 cuộc họp với các đối tác tiềm năng trong năm 2022, xác định hơn 20 dự án khả thi, 10 dự án có tiềm năng trung bình hoặc cao với doanh thu khoảng 350 triệu USD. 2 dự án được chốt vào quý 3/2022 gồm dự án tại Brisbane, Australia của chủ đầu tư người Việt và dự án tại Ontario, Canada với tổng giá trị khoảng 60 triệu USD.
Theo kế hoạch, cuối năm 2022, HBC sẽ bắt đầu triển khai dự án tại Ontario, Brisbane và năm 2023 sẽ đến Texas và Châu Âu. Giai đoạn 2024 - 2025, tập đoàn sẽ dành thời gian để đánh giá lại kế quả thực hiện và mở rộng kinh doanh tại các tiểu bang Florida, Nevada, Utah, Arizona, Califonia. Năm 2026 sẽ phát triển tại Anh, 2028 sẽ phát triển tại Bắc Calorina.
4 thị trường chiến lược của HBC là Canada, Mỹ, Australia và châu Âu. Đây là các thị trường có giá xây dựng rất cao; môi trường kinh doanh minh bạch; số lượng dân nhập cư cao kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng theo; sự thiếu hụt vật liệu xây dựng và tận dụng các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước này. Song song hoạt động xây dựng, Hòa Bình xác định sẽ trở thành nhà phân phối vật liệu xây dựng từ Việt Nam sang nước ngoài. Mảng kinh doanh này được lãnh đạo HBC kỳ vọng là chìa khóa giúp công ty có thêm lợi thế cạnh tranh với các nhà thầu nội địa.
Ở diễn biến khác liên quan gói thầu hơn 35.000 tỷ dự án sân bay Long Thành mà HBC tham gia dự thầu, Vietur - đối thủ của liên danh Hoa Lư là nhóm nhà thầu duy nhất được thông qua vòng đánh giá kỹ thuật. Sau tin ACV công bố, HBC và các thành viên trong liên danh Hoa Lư đã gửi đơn khiếu nại vì cho rằng có vi phạm trong quá trình kiểm định thầu.